Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản đang thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội - hai phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người dân.
Nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm mới ra mắt trong năm 2020 và biến mất trong năm 2021, trong khi nhà ở cao cấp chiếm đến 74%, dẫn đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và bất động sản chưa tương xứng với tiềm năng.
Cung không đủ cầu khiến giá nhà đang cao hơn 20 lần thu nhập trung bình của xã hội. HoREA cho biết chỉ số này ở các nước phát triển chỉ khoảng 6-7 lần.
Do đó, hiệp hội kiến nghị các địa phương đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên đấu thầu dự án cho thuê đối với các phần diện tích đất công thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được quy hoạch để phát triển khu lưu trú công nhân, khu nhà ở chuyên gia.
Mặt khác, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án, hoặc hoán đổi 20% quỹ đất này bằng số lượng nhà ở xã hội, diện tích đất ở tương đương.
Các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung.
HoREA đề xuất nhiều giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với nhà ở thương mại, HoREA đề xuất bổ sung trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở. Đây sẽ là nguồn cung nhà ở dồi dào cho thị trường do thường là các dự án quy mô lớn.
Nếu các dự án thuộc diện phải rà soát pháp lý, HoREA đề nghị xử lý theo hướng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, sau đó cho phép họ tiếp tục triển khai dự án và cấp sổ hồng cho khách hàng.
Trong trường hợp có đất công nằm xen kẽ trong dự án nhà ở, hiệp hội cho rằng các địa phương cần khẩn trương ban hành tiêu chí tách thành dự án độc lập đối với phần đất công này. Nếu không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì thực hiện giao, thuê đất cho chủ đầu tư để góp phần làm tăng nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, một vướng mắc lớn, theo ông Châu, là kể cả khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội lẫn nhà ở thương mại vẫn chưa được chuẩn hóa, thống nhất trên cả nước, chưa kể việc xác định tiền sử dụng đất vẫn còn nhiều bất cập.
"Hiệp hội tán thành ý kiến đề xuất của UBND TP.HCM về áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất khi xác định, thẩm định, quyết định giá đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo Bảng giá đất trên 30 tỷ đồng hay dưới 30 tỷ đồng), thay vì phải thực hiện đơn vị tư vấn để xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá”, văn bản của HoREA nêu.
Trong bối cảnh doanh nghiệp phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính và quy định pháp luật chồng chéo, hiệp hội này cho rằng các chủ doanh nghiệp đang có tâm trạng bất an, sợ vướng rủi ro pháp lý trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Do đó, với thị trường trái phiếu, vốn là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, HoREA cũng kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 163 và Nghị định 81 để chấn chỉnh và đảm bảo hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và đề nghị áp dụng từ ngày 1/1/2023.
"Đặc biệt là đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ về đánh giá xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu; về các tiêu chí đánh giá đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu đảm bảo thực sự có năng lực; về bảo lãnh phát hành trái phiếu; về quy định cụ thể việc sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích", HoREA nhấn mạnh.