Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hợp pháp hóa mại dâm là sai lầm'

"Không thể công nhận mại dâm vì nó để lại các hệ luỵ khôn lường, mọi mặt và lâu dài", đại diện Cục phòng chống tệ nạn xã hội trao đổi với Zing.vn.

Với hơn 20 năm thực tiễn, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) chia sẻ quan điểm về đề xuất thí điểm lập "phố nhạy cảm", hợp pháp hóa mại dâm. 

- Gần đây, Phó chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM Lê Văn Quý tái đề xuất lập "phố nhạy cảm" để thuận lợi hơn trong quản lý nhà nước. Với tư cách người làm quản lý, ông nghĩ sao?

- Theo tôi thấy, đề xuất đó không rõ. Mấy hôm nay các đại biểu Quốc hội đưa ra vấn đề theo hướng cho phép, trong khi anh Quý nói rằng quy hoạch quản lý cho chặt. Nhiều ý kiến khác nhau do nội dung đề xuất không rõ, mỗi người hiểu một kiểu. 

Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội.
Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Anh Quý nói rằng để quản lý chặt nhưng về quy hoạch rất khó, bởi vì liên quan đến quyền và Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các loại luật khác nhau. Tôi cho đề xuất này còn lơ mơ, không rõ nội hàm.

Quy hoạch để làm gì? Bản thân massage, karaoke, vũ trường… có xấu không? Nếu xấu thì nhà nước đã không cho hoạt động và nếu“nhạy cảm” phải quản lý, thanh kiểm tra chặt chẽ chứ.

Tôi chưa có điều kiện trao đổi lại với anh Quý nhưng quản lý không có nghĩa là cho hoạt động mại dâm. Thực ra, Việt Nam chưa đồng ý coi mại dâm đây là một nghề, nếu làm được thì phải đặt ra bao nhiêu là vấn đề.

- Thẳng thắn nói về mại dâm, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nên thí điểm. Quan điểm của ông?

- Tôi thấy đề xuất đó chưa hợp lý và rất khó khả thi. Thứ nhất, luật pháp chưa có, thí điểm sẽ là vấn đề đặc biệt. Khi đưa vào quản lý, chưa nói các vấn đề lớn khác, mà là quản lý được không? 

Cần có cái nhìn thực tiễn về khả năng, trình độ, điều kiện cụ thể của nước ta, với hàng chục vạn cơ sở kinh doanh, dịch vụ, rồi hàng nghìn phụ nữ hoạt động mại dâm ở ngoài xã hội. Liệu có thể quản lý khi chỉ có một khu vực nhất định nhỏ cho phép mại dâm hoạt động?

Đã đưa vào quản lý thì bên ngoài khu vực “đèn đỏ” phải quản thật ghê, phạt thật nặng, không cho hoạt động. Trong khi đó, hoạt động ngầm, hoạt động chui mang lại rất nhiều lợi nhuận cho chủ chứa, cho các tú ông tú bà với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, kín đáo; không loại trừ các hành vi táo bạo mua chuộc các cán bộ biến chất bảo kê cho chúng. 

Chúng ta có đủ cán bộ có thẩm quyền theo dõi, quản lý, xử phạt nghiêm hàng chục vạn cơ sở kinh doanh ngoài khu đó không? Mà không làm nghiêm được thì vấn đề trở lên quá phức tạp, có thể đếm mức không kiểm soát được tình hình.

Hiện, chúng ta “tuyên chiến” với tệ mại dâm, dù kết quả còn chưa tốt thì còn có cơ hội rút kinh nghiệm để thay đổi tình hình. Nhưng khi ta thừa nhận nó mà không quản lý được thì không biết điều gì xảy ra.

Thậm chí, một số đại biểu cho rằng thành lập khu quản lý để cán bộ công chức không thể tùy tiện vào đó và vì thế sẽ giảm mại dâm. Quan điểm này theo tôi rất không khoa học.

- Vậy theo ông, trong tương lai gần, ví dụ khoảng 10 năm tới, chúng ta nên ứng xử như thế nào?

- Gần 90% độc giả Zing.vn bày tỏ ý kiến ủng hộ việc lập “phố nhạy cảm”. Điều này mâu thuẫn gì với quan điểm của cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội?

- Đúng là lâu nay có thực tế là tệ nạn mại dâm vẫn phát triển, công tác phòng chống chưa đạt kết quả như mong muốn khiến người dân bức xúc và có nhiều đề xuất ở nhiều góc độ. Nhưng hợp pháp hoá mại dâm thì phải nhìn tổng thể.

Còn ý kiến tự do hóa mại dâm, để quản lý, phát triển du lịch sex để thu ngân sách là sai lầm về chiến lược. Mại dâm mãi là biểu hiện của tha hoá đạo đức, gắn với những tội phạm như ma tuý, mua bán người, rửa tiền…

- Theo tôi, phải tiếp tục không công nhận mại dâm là một nghề. Xem xét mọi khía cạnh, không thể công nhận vì nó để lại các hệ luỵ khôn lường, mọi mặt và lâu dài về chính trị, đạo đức truyền thống, văn hoá, kinh tế, nòi giống… Chúng ta đều biết, dù phòng chống hay làm kiểu gì cũng không bao giờ triệt hạ hết nạn mại dâm, thay vào đó, cần thực hiện các giải pháp giảm thiểu tối đa mức độ, phạm vi và tác hại của tệ nạn này. 

Ý định cho hợp pháp mại dâm để đạt mục đích đó là không có cơ sở. Với trải nghiệm hơn 20 năm làm trong lĩnh vực này, tôi cho rằng đề xuất lập “phố đèn đỏ” ở Việt Nam trong tương lai gần là chưa phù hợp vì nằm ngoài khả năng quản lý. Bằng mọi nguồn thông tin trong thời đại thông tin, bằng nghiên cứu thực tế, chúng ta có điều kiện nhìn nhận các nước đã hợp pháp mại dâm thế nào và có nên làm như họ hay không.

- Các chuyên gia xã hội học cho rằng, mua bán dâm là nhu cầu tự nhiên, có từ thời nguyên thủy vì một bộ phận người trong xã hội luôn có nhu cầu. Việc cấm cản vì thế là trái lẽ tự nhiên, điều này được kiểm chứng qua công tác phòng chống tệ nạn ra sao?

- Đúng là có một bộ phận như thế. Nhưng không nên vì bộ phận đó mà hợp pháp hóa mại dâm, tác động xấu đến toàn xã hội. Nhu cầu mua dâm theo tôi, chủ yếu là lối sống chứ không đơn thuần là nhu cầu tình dục “chính đáng”. 

Nếu xem xét những vụ mại dâm bị phát hiện thì phần lớn không phải bản thân họ có nhu cầu gọi là “chính đáng” mà là vấn đề đạo đức, lối sống.

- Một luồng quan điểm phổ biến là nhiều nước phát triển đều có "khu đèn đỏ" để gom lại những người hành nghề và tiện quản lý, thậm chí thu thuế cho nhà nước. Với thực tiễn quản lý, ông nghĩ sao

- Theo hiểu biết của tôi, các nhà xã hội học trên thế giới không nước nào đánh giá cao việc hợp pháp hóa mại dâm để quản lý tốt hơn.

Một vị ở đại sứ quán Singapore trong một hội thảo của chúng tôi nói rằng, từ khi chính phủ của họ cho phép hành nghề mại dâm thì tình hình quản lý và mọi việc liên quan tốt hơn. Nhưng thực tế có rất nhiều vấn đề nan giải, gái mại dâm khắp nơi trên quốc đảo này. Nhiều phụ nữ hành nghề đổ về gây khó khăn cho quản lý cũng như làm mất ổn định xã hội, ảnh ghê gớm tới tâm lý, lối sống của người bản địa.

- Ông không đồng ý với hợp pháp hoá mại dâm và ông bằng lòng với các giải pháp và tình hình như hiện nay?

- Bằng lòng làm sao được. Hơn ai hết tôi cũng là rất người bức xúc, lo lắng với tình hình. Theo tôi, chúng ta có thể có kết quả tốt hơn thế này nếu chúng ta thống nhất nhận thức, kiên quyết phòng chống mại dâm, triệt để về quan điểm, không do dự, băn khoăn về thực thi các giải pháp. Cùng với đó là đầu tư nguồn lực, nhân lực ở các vùng trọng điểm, tương xứng với nhiệm vụ.

Chính quyền phải chịu trách nhiệm quản lý toàn diện địa bàn (một ví dụ cụ thể: cấp trên có nghiêm khắc phê bình, kỷ luật hay cách chức một chủ tịch UBND cấp dưới để mại dâm tràn lan, kéo dài trên địa bàn không? Hay chỉ nhắc nhở qua loa), đề cao vai trò của người dân và các tổ chức xã hội ở cộng đồng... Công tác phòng chống mại dâm theo tôi cần tiếp tục đổi mới sâu sắc, nhiều mặt.

 

'Nên thí điểm lập phố nhạy cảm'

"Hà Lan có khu vực 'đèn đỏ', nhưng có ai dám nói rằng nước này thuần phong mỹ tục băng hoại không?", đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa lên tiếng về đề xuất lập "phố nhạy cảm".

Nguyễn Hưng thực hiện

Bạn có thể quan tâm