Những cổ đông trót làm xiếc lấy tiền từ cấp tín dụng để sở hữu chéo sang ngân hàng khác đang phải căng mình vì cả núi tiền lãi do ngân hàng lỗ nặng. Có ý kiến cho rằng, cần phải nhanh chóng ép các cổ đông có dòng tiền “lởm” tất toán những hợp đồng tín dụng ảo để đưa bảng cân đối tài sản ngân hàng về trạng thái lành mạnh hơn.
Nhìn nhận thẳng thắn về tình trạng sở hữu chéo ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Thanh tra Chính phủ) cho biết: “Sở hữu chéo ở Việt Nam đang biến tướng khó lường, một phần do lòng tham của các cổ đông lớn, chiếm quyền chi phối khi thị trường chứng khoán bùng nổ nhưng mặt khác, còn do sai lầm về chính sách và/hoặc thiếu các công cụ giám sát hiệu quả của các cơ quan hữu quan”.
Cũng theo ông Thắng, các cổ đông dùng nguồn vốn vay của ngân hàng này góp vốn vào ngân hàng kia, vay mượn lẫn nhau để góp vốn, tạo ra dòng vốn ảo, làm cho cơ quan quản lý không thể đong đo vốn thực của các cổ đông ngân hàng. Đó là chưa nói tới việc mối liên kết thiếu lành mạnh giữa các ngân hàng thông qua sở hữu chéo còn nảy sinh tình trạng đảo nợ, một vấn đề mà nhà nước nghiêm cấm từ lâu. Điều này làm cho khả năng chống đỡ rủi ro của các ngân hàng không được đánh giá đúng mức.
Nhà nước hạn chế cấp tín dụng đối với cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, doanh nghiệp do cổ đông lớn và cổ đông sáng lập nắm quyền kiểm soát thông qua sở hữu cổ phần hoặc đại diện nắm quyền. |
Quy định không thiếu
Lường trước mặt tiêu cực từ sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý đã thiết lập khá nhiều quy định để quản lý sở hữu chéo, trong đó, quy định về cấp tín dụng được coi là điểm then chốt. Theo đó, Nhà nước nghiêm cấm cấp tín dụng đối với các trường hợp sau: các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán do các ngân hàng thương mại kiểm soát; đối tượng sử dụng chính cổ phiếu của ngân hàng thương mại làm tài sản bảo đảm; đầu tư góp vốn cổ phần vào ngân hàng thương mại khác mà tài sản bảo đảm chính là cổ phiếu ngân hàng thương mại đó; thành viên ban quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát cùng người có liên quan.
Đồng thời, nhà nước cũng hạn chế cấp tín dụng đối với cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, doanh nghiệp do cổ đông lớn và cổ đông sáng lập nắm quyền kiểm soát thông qua sở hữu cổ phần hoặc đại diện nắm quyền. Cùng đó, Nhà nước cũng khống chế tỷ lệ cấp tín dụng cho các đối tượng dựa trên mức độ sở hữu và/hoặc hình thức sở hữu trực tiếp hay gián tiếp.
Đánh giá về những hệ lụy do sở hữu chéo gây ra, ông Tô Ngọc Hưng, Giám đốc học viện Ngân hàng cho rằng: “Khi mà sở hữu chéo trở nên quá phổ biến và chỉ phục vụ mục đích một nhóm lợi ích thay vì cộng đồng và vượt quá tầm kiểm soát nhà nước thì đầu tiên là hệ thống tài chính và sau đó là nền kinh tế phải hứng chịu những tổn hại khó lường”.
Cũng theo ông, để phòng ngừa những mối nguy nói trên, bên cạnh kiểm soát chặt sở hữu chéo thì Chính phủ phải kiên quyết sáp nhập, tái cấu trúc những đơn vị có tình trạng sở hữu chéo trầm trọng, yêu cầu các cổ đông rút các khoản tín dụng ảo và thoái vốn đối với những khoản đầu tư phục vụ lợi ích nhóm.
Trả tín dụng về thực chất
Thực ra, xung quanh vấn đề “rút các khoản tín dụng ảo” để mua bán cổ phần các ngân hàng khác mà ông Tô Ngọc Hưng nêu ra, gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã để mắt tới hình thức biến tướng này và kiểm soát rất chặt. Cùng đó, Bộ Công an cũng vào cuộc điều tra những khoản tín dụng có dấu hiệu nghi ngờ.
Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, đây là điều cần thiết nhưng trước khi hành động một cách ồn ào thì cần rà soát để phát hiện và buộc các cổ đông này thanh lý càng sớm càng tốt đối với số cổ phần được hình thành từ dòng tiền ảo của các khoản tín dụng không thực chất.
“Nên gắn một con chip vào trong ven để theo dõi bằng được dòng tuần hoàn của máu. Thông qua quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền để kiểm soát những giao dịch đáng ngờ, rồi hô hoán lên để đánh động các cổ đông này”, ông Phước ví von. Theo ông, với hệ thống core banking được nối liền giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không khó khăn gì để biết được những giao dịch đáng ngờ khi có quy mô lớn. Chẳng hạn, một ngân hàng trong một ngày mà giải ngân đến một vài nghìn tỷ đồng, tập trung vào vài ba khách hàng mà không thấy “trống dong cờ mở” hay mời gọi báo chí đưa tin thì xác suất “có vấn đề” là rất lớn.
Do đó, về phương diện quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần để mắt và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải báo cáo đối với các giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên một cách chi tiết như ngân hàng cho ai vay, mục đích vay, thời gian vay. Không thể có chuyện cho một doanh nghiệp vay thu mua nông sản, tôm cá ở đâu đó trong khi doanh nghiệp này chưa từng kinh doanh ở các ngành nghề này.
Theo một chuyên gia, đã có không ít hợp đồng tín dụng được ngân hàng A cấp cho doanh nghiệp B (doanh nghiệp B do cổ đông lớn ngân hàng A lập ra) để B sử dụng nguồn tiền này mua cổ phiếu ngân hàng C; sau đó, B lấy số cổ phiếu này làm tài sản bảo đảm để thế chấp cho A vay tiền lần thứ hai. Có tiền, B liền tất toán hợp đồng tín dụng đã vay A ở lần thứ nhất.
Như vậy, xét về hình thức, B chỉ nợ A số tiền lần vay thứ 2 nhưng bàn tay của cổ đông ngân hàng A đã thò sang nắm giữ ngân hàng C. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng đang làm ăn thua lỗ, lợi nhuận từ cổ tức không đủ cân đối với lãi suất khoản vay nên nhiều cổ đông sở hữu chéo trong trường hợp này đang “dở khóc, dở cười”. “Cách tốt nhất là hãy ép các cổ đông này bán cổ phần đã mua, thu tiền về để tất toán khoản vay, trả lại sự lành mạnh cho bảng cân đối tài sản các ngân hàng mà họ đã dính líu vào”, vị chuyên gia này nói.