Mật độ dân số tăng cùng với giá đất quá cao khiến người dân Hong Kong phải chật vật tìm chỗ chôn cất người thân. Nhiều gia đình phải chờ 7 năm mới có chỗ để hài cốt trong nhà mồ.
|
Những phiến đá xếp hàng dài dọc sườn đồi, lấp ló vài đốm xanh của những bụi cây xen giữa vùng xi măng màu xám trải rộng. Những quả đồi này chính là nhà của hàng nghìn người Hong Kong quá cố, được ghi lại trong bộ ảnh Dead Space (tạm dịch: Không gian Chết) của nhiếp ảnh gia Finbarr Fallon, theo CNN. |
|
Những bức ảnh của ông cho thấy hàng dài bia mộ hình chữ nhật nhỏ xếp thành hàng thẳng tắp trên sườn đồi, khung cảnh phía sau là các tòa nhà chọc trời từ khu đô thị. "Tôi cố gắng miêu tả mối liên hệ giữa người sống và người chết trong tác phẩm của mình", nhiếp ảnh gia Fallon nói. |
|
Ông Fallon đã sử dụng cả máy bay không người lái để chụp các bức ảnh từ trên không, thể hiện được hết quy mô rộng lớn của nghĩa trang. "Tôi thực sự muốn thể hiện sự hoành tráng, vượt ra ngoài quy mô của một tòa nhà", nhiếp ảnh gia trả lời phỏng vấn qua điện thoại. |
|
Ông Fallon bắt đầu thực hiện dự án này sau khi đi ngang qua một nghĩa trang ở quận Wan Chai, Hong Kong, trong kỳ nghỉ của mình. Bị thu hút bởi không gian của người sống và người chết, ông đã đến Hong Kong thêm nhiều lần nữa để phác họa cái mà ông gọi là "văn hóa về cái chết" của thành phố.
|
|
Tại Anh, quê hương của ông Fallon, các nghĩa trang thường xây ở khu đất bằng phẳng, có nhiều cây và rộng rãi, giống như những khu vườn được chăm sóc. Tuy nhiên, tại Hong Kong, điều kiện cho người chết phản ánh thực tế của người sống: chật chội và chen chúc nhau. Với dân số 7,5 triệu người, Hong Kong là một trong những khu vực có giá nhà đất rất cao. Người dân phải vật lộn để có thể mua được bất động sản cho chính mình và con cái. |
|
Các nghĩa trang tư nhân hiện niêm yết giá đất lên tới 36.000 USD/khu mộ. Phó giáo sư của Đại học Hong Kong Amy Chow, chuyên gia nghiên cứu về lão hóa và cái chết, cho biết con số này có thể gấp bốn lần mà vẫn có người mua. Các khu mộ trong nghĩa trang công cộng có thể rẻ hơn, nhưng thực tế ở đây hầu như không còn chỗ. |
|
Kết quả là đại đa số người Hong Kong chọn cách hỏa táng người thân quá cố. Nhưng ngay cả như vậy, họ vẫn phải vật lộn mới có được một chỗ trong nhà mồ. Hàng nghìn gia đình vẫn nằm trong danh sách chờ để có được không gian đặt chiếc bình hài cốt của người thân. Thời gian chờ có thể lên tới 7 năm, bà Chow nói. |
|
Ở Singapore cũng vậy, đất trống ngày càng khan hiếm, nhiếp ảnh gia Fallon nói. Hàng nghìn ngôi mộ đã được khai quật khi chính phủ xây dựng đường cao tốc và nhà ở mới trên các nghĩa trang cũ. "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ khó có thể nhìn thấy những nghĩa trang nữa do hạn chế về không gian của những khu đô thị", ông Fallon nói. |
|
Khan hiếm đất chôn cất có thể là mối đe dọa đối với tín ngưỡng và phong tục truyền thống như lễ hội Thanh Minh, ngày lễ hàng năm của người Trung Quốc, khi người dân đến thăm và viếng mộ tổ tiên. "Rất nhiều nền văn hóa châu Á có nghi thức này", Fallon nói. "Nhưng trong tương lai, tôi nghĩ nhiều thành phố sẽ phải đón nhận sự thay đổi mạnh mẽ trong nghi lễ với người quá cố". |
|
Những nghi thức này có ý nghĩa rất quan trọng trong các nền văn hóa Đông Á, đặc biệt đối với những khu vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Nho giáo đánh giá cao lòng hiếu thảo, sự tôn kính và chăm sóc cha mẹ.
|
|
"Tìm được một nơi yên nghỉ cho tổ tiên là cách thể hiện sự tôn kính và lòng hiếu thảo", phó giáo sư Chow nói và cho biết thêm mọi người sẽ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ nếu không tìm được nơi yên nghỉ phù hợp cho người thân quá cố. |
nghĩa trang Hong Kong
Trung Quốc
Singapore
nghĩa trang
Hong Kong
người quá cố
ngôi mộ