Lần đầu tiên xuất hiện tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong kể từ tháng 10/2019, bà Lam trả lời câu hỏi của một nhà lập pháp về tương lai của đặc khu này vào năm 2047, tức năm Hong Kong hết hạn quyền tự trị, theo Guardian.
"Miễn là chúng ta duy trì nguyên tắc 'một quốc gia, hai chế độ', chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng nguyên tắc này sẽ không thay đổi sau năm 2047 và sẽ tiếp tục duy trì lâu dài trong tương lai", bà Lam nói.
Theo điều khoản bàn giao Hong Kong của Anh cho Trung Quốc vào năm 1997, Hong Kong có quyền tự do và có hệ thống chính trị riêng trong 50 năm. Giới quan sát cho rằng các điều khoản nói trên đã bị phá vỡ khi Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng lên đặc khu này thông qua chính quyền được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Phiên hỏi đáp với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong hôm 16/1. Ảnh: AP. |
Theo bà Lam, làn sóng biểu tình những tháng gần đây có thể khiến Bắc Kinh từ bỏ nguyên tắc này. Đặc khu trưởng Hong Kong cho rằng người trẻ ở đây nên trân trọng thay vì gây ra thiệt hại cho hệ thống hiện hành.
"Nếu không, họ sẽ tạo ra tình cảnh mà chính họ ngày hôm nay đang cảm thấy e ngại", bà Lam nói, theo South China Morning Post.
Các cuộc biểu tình tại Hong Kong - được châm ngòi bằng một dự luật dẫn độ tới đại lục gây tranh cãi, nay đã bị huỷ bỏ - bắt đầu từ 7 tháng trước và đã biến thành phong trào phản đối chính quyền đặc khu. Đây là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Hong Kong kể từ khi thành phố được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Trong thông điệp cuối năm 2019, bà Lam nói rằng việc khôi phục trật tự xã hội và hài hoà trong cộng đồng sẽ là mục tiêu của thành phố trong năm 2020.