Trong ngôi nhà chật chội của mình với đồ đạc chất đống để tiết kiệm diện tích, ông Chan Chuen-Bui (71 tuổi) nhớ lại những ngày thời trẻ cũng chẳng khó khăn thế này, SCMP đưa tin.
Người đàn ông Hong Kong này từng làm việc trong lĩnh vực trang trí nội thất và kiếm 20.000-30.000 HKD/tháng vào năm 1997. Thời điểm đó, ông sống trong căn hộ công cộng giá rẻ rộng gần 30 m2 ở Kwai Chung với giá thuê chỉ 1.000 HKD/tháng.
“Không khó để bạn tìm việc làm hồi đó, và chỉ cần làm việc chăm chỉ, bạn đã có thể tự nuôi sống bản thân mình tốt. Nhưng điều này không còn áp dụng vào ngày nay”, ông chia sẻ.
Ông Chan Chuen-Bui trong căn hộ chật hẹp chưa đầy 10 m2. Ảnh: Edward So. |
Với nhiều lý do, từ sự toàn cầu hóa đến những chính sách và cả giá nhà tăng cao, sự chênh lệch giàu nghèo ở xứ Cảng thơm gia tăng mạnh mẽ kể từ năm 1997. Hậu quả cuối cùng là những người nghèo như ông Chan càng rơi vào cảnh túng thiếu dù làm việc chăm chỉ.
Trong khi đó, những người giàu của thành phố càng trở nên giàu có hơn, với thu nhập gấp hàng chục lần nhóm cư dân nghèo nhất kiếm được.
Tiềm ẩn khủng hoảng
Ông Chan cho biết sau năm 1997, công việc trang trí nội thất giảm hẳn, đặc biệt kể từ khi giá nhà tăng cao đã ngăn cản những người thu nhập trung bình mua căn hộ.
Ông Chan, người chuyển khỏi căn hộ chung cư xã hội khi ly hôn với vợ cũ, bị giảm thu nhập từ 1.200 HKD xuống còn dưới 900 HKD/ngày, cho đến khi ông ngừng làm việc vì bệnh tăng nhãn áp.
Người vợ hiện tại của ông là một phụ nữ 50 tuổi, kiếm khoảng 15.000 HKD/tháng nhờ làm việc 6 ngày/tuần tại một cửa hàng hải sản khô.
Cặp vợ chồng và cô con gái 12 tuổi chen chúc trong không gian chưa đầy 10 m2 ở Sham Shui Po, một trong những quận nghèo nhất thành phố, với phí thuê nhà hàng tháng là 4.000 HKD.
Con cái của một gia đình có thu nhập thấp học trực tuyến tại nhà giữa đại dịch Covid-19. Ảnh: K. Y. Cheng. |
Đôi lần, hai vợ chồng bỏ bữa để tiết kiệm tiền cho con gái đi học thêm. Hy vọng duy nhất của họ là con gái sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Hong Kong đã trở thành nơi mà những người nghèo như tôi ngày càng khó khăn hơn”, ông nói.
Theo số liệu thống kê chính thức, năm 1997, thu nhập trung bình hàng tháng của các hộ gia đình thuộc nhóm 10% giàu nhất là 70.600 HKD, gấp khoảng 17 lần so với các hộ gia đình thuộc nhóm 10% nghèo nhất, ở mức 4.200 HKD.
Năm ngoái, tỷ lệ này là gấp 40 lần, với thu nhập trung bình hàng tháng của nhóm 10% giàu nhất Hong Kong là 120.800 HKD, tăng 71%; nhóm 10% nghèo nhất giảm mức thu nhập 29%, xuống còn 3.000 HKD.
Tháng 8/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi Law Chi-kwong cho biết sự chênh lệch giàu nghèo của Hong Kong là “sự thật không thể chối cãi” và thuộc nhóm tồi tệ nhất thế giới.
Các nhà kinh tế học và xã hội học cho biết sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập bắt đầu từ trước năm 1997, và tiếp tục duy trì với mức tăng ổn định kể từ đó.
Khủng hoảng nhà ở đóng vai trò gây ra sự chênh lệch giàu nghèo ở Hong Kong. Ảnh: ESB Professional/Shutterstock. |
Ngoài chênh lệch thu nhập, họ còn đổ lỗi cho nhiều yếu tố dẫn đến sự gia tăng liên tục mức chênh lệch giàu nghèo, bao gồm giá nhà nhảy vọt; thiếu sự can thiệp của chính quyền; dòng tiền khổng lồ đổ vào bất động sản và thị trường chứng khoán; sự gián đoạn kinh tế do các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19.
“Hong Kong đã trở thành Hong Kong của người giàu. Nếu chính quyền thành phố giữ nguyên hiện trạng và không có động thái thay đổi, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn cho đến khi nó đạt đỉnh điểm và xảy ra khủng hoảng”, Tiến sĩ Xu Duoduo, trợ lý giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Hong Kong (HKU), khẳng định.
Nhiều yếu tố đan xen
Bước ngoặt xảy ra vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi thành phố chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ tập trung sản xuất sang phi sản xuất.
Dần dần, tài sản bắt đầu tích lũy ở lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và bất động sản, trong khi công nhân sản xuất bị mất việc làm, hoặc phải chuyển sang công việc có thu nhập thấp như phục vụ bàn, ăn uống và dọn dẹp.
Các chuyên gia cho biết giá nhà tăng chóng mặt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sự chênh lệch giàu nghèo.
Những người sở hữu bất động sản ngày càng giàu có, trong khi những người không có khả năng mua nhà riêng vừa không được hưởng lợi từ giá bất động sản tăng, vừa phải đối mặt với giá thuê nhà và giá tiêu dùng cao hơn.
Người tìm việc tham gia hội chợ việc làm ở Wan Chai. Ảnh: Nora Tam. |
Mặt khác, người lao động thu nhập thấp phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong đại dịch, đặc biệt những công nhân làm trong ngành xây dựng, bán lẻ và hàng quán. Trong khi đó, những công việc được trả lương cao, như ngành tài chính, vẫn ổn định.
Giáo sư Terence Chong Tai-leung, khoa kinh tế của Đại học Trung Quốc, cho biết sự bất bình đẳng giàu nghèo không chỉ xảy ra ở riêng Hong Kong mà còn nhiều nơi khác, bao gồm cả Trung Quốc, do sự phát triển kinh tế nhanh chóng.
“Khoảng cách giàu nghèo luôn tồn tại, nhưng liệu nó có tiếp tục nới rộng hay không phụ thuộc vào chính quyền”, ông nói.
Trong những năm qua, các nhà lãnh đạo thành phố khác nhau đã cam kết nỗ lực giải quyết tình trạng đói nghèo, nhưng chưa đạt được kết quả nào đáng kể. Tiến sĩ Xu cho rằng sự can thiệp của giới chức vẫn còn quá ít.
Khó thoát nghèo
Theo Báo cáo Tình hình Nghèo đói của Hong Kong 2020 được công bố vào tháng 11/2021, 1,65 triệu người, tương đương 23,6% tổng dân số của thành phố, sống dưới mức nghèo đói, với mức thu nhập chỉ bằng 1/2 thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình.
Điều này đồng nghĩa rằng cứ một trong số 4 người Hong Kong là người nghèo.
Người dân xếp hàng trước một tiệm cơm bụi ở khu Sham Shui Po hồi tháng 2. Ảnh: Billy H.C. Kwok/New York Times. |
Dân số nghèo đã tăng 22% so với năm 2009, từ 1,35 triệu người. Ngoài ra, không có số liệu thống kê trước năm 2009, SCMP đưa tin.
Wong Shek-hung, Giám đốc chương trình Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan của Oxfam Hong Kong, cho biết khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng đã dẫn đến tình trạng nghèo giữa các thế hệ.
“Dù làm việc chăm chỉ cỡ nào, những người nghèo nhất vẫn không đủ nguồn lực để cải thiện cuộc sống và tiến lên các nấc thang xã hội. Điều này dẫn đến điều khác, rồi người nghèo có thể không bao giờ thoát khỏi nghèo đói”, bà nói.
Anthony Wong Kin-Wai, Giám đốc kinh doanh của Hội đồng Dịch vụ Xã hội Hong Kong, nói rằng thành phố cần có một kế hoạch rõ ràng để giảm nghèo, đồng thời huy động các nguồn lực cần thiết để đạt được điều đó.
Ở cấp độ rộng hơn, ông cho biết vì cấu trúc công nghiệp của thành phố là một phần nguyên nhân dẫn đến khoảng cách giàu nghèo, Hong Kong không nên phụ thuộc quá nhiều vào các ngành như du lịch, tài chính và hậu cần, mà hãy thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác để tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao.
Ông Wong thừa nhận việc thực hiện những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến vị thế trung tâm tài chính của thành phố.
“Tuy nhiên, điều đó xứng đáng nếu giới chức có thể đảo ngược xu hướng chênh lệch giàu nghèo thành công”, ông nói.