Zing trích dịch bài đăng từ Sixth Tone, đề cập đến những thảo luận, tranh cãi xung quanh mô hình "hôn nhân hai chiều" đang phát triển ở Trung Quốc.
Khoảng 80 năm trước, nhà xã hội học nổi tiếng Fei Xiaotong lần đầu đề cập đến mô hình nổi tiếng liang tou hun - tức “hôn nhân hai chiều” - tồn tại ở một số tỉnh miền đông Trung Quốc.
Theo phong tục tập quán cưới xin truyền thống của xứ tỷ dân, cô dâu sẽ phải về bên nhà chồng sau khi kết thúc hôn lễ.
Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng liang tou hun, họ không có khái niệm “phụ nữ bị gả đi” hoặc “đàn ông phải lấy vợ”. Họ cũng không có quà hứa hôn hay trao của hồi môn.
Theo truyền thống, cô dâu sẽ phải về bên nhà chồng sau khi kết thúc hôn lễ. Ảnh: China Daily. |
Thay vào đó, cả nhà trai và gái sẽ để sẵn một phòng trống trong gia đình cho đôi uyên ương để họ có thể luân phiên qua lại chăm sóc bố mẹ hai bên. Đổi lại, họ đều có quyền thừa kế tài sản từ hai phía gia đình.
Ngoài ra, nếu cặp vợ chồng có hai con, một đứa sẽ mang họ mẹ, đứa còn lại sẽ theo họ bố.
Gần đây, kiểu “hôn nhân hai chiều” đang được phục hưng trong xã hội Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông địa phương nhiều lần đưa tin về hiện tượng này và vị trí của nó trong bối cảnh sự thay đổi chớp nhoáng của hôn nhân ở xứ tỷ dân.
Nhắc đến liang tou hun, phần lớn cuộc tranh luận tập trung vào đối tượng phụ nữ hiện đại cùng những câu hỏi như: Liệu kiểu hôn nhân này giúp nâng cao địa vị của nữ giới trong xã hội hay tạo thêm gánh nặng chăm sóc gia đình cho họ?
Tuy nhiên, lý do tồn tại của “hôn nhân hai chiều” không phải để cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, mà để giải quyết những vấn đề hóc búa do chính sách kế hoạch hóa gia đình của chính phủ Trung Quốc gây ra.
“Hôn nhân hai chiều” dần trở nên phổ biến ở một số khu vực. Ảnh: Adobe Stock. |
Giải pháp cho hậu chính sách một con
Tại các ngôi làng ven biển ở phía đông đồng bằng Hàng Châu - Gia Hưng - Hồ Châu, chính sách một con của Trung Quốc từ cuối những năm 70 khiến nhiều gia đình nơi đây không có con trai nối dõi tông đường.
Khi đó, những nhà chỉ có độc một con gái tìm cách bảo tồn huyết thống gia đình bằng cách cho phép các chàng trai ở rể. Nó trái ngược hoàn toàn với phong tục truyền thống, vốn để các cô gái về làm dâu nhà chồng.
Tuy nhiên, khi bước sang thế kỷ 21, mối quan tâm về huyết thống và tổ tiên, cũng như các vấn đề thiết thực khác như thừa kế tài sản, chăm sóc bố mẹ già yếu và chuyện đàn ông không thích ở rể đã dẫn đến sự gia tăng của liang tou hun.
Hiện nay, “hôn nhân hai chiều” trở thành hình thức cưới xin phổ biến nhất ở khu vực này.
Sự thay đổi này đã thách thức nhiều địa phương vốn gắn liền với truyền thống gia đình phụ hệ, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Liang tou hun thách thức truyền thống cưới xin ở nhiều địa phương. Ảnh: NPR. |
Theo phong tục tập quán, dòng dõi và tài sản thừa kế sẽ chỉ truyền lại cho con trai của gia đình, do đó con cái thường đặt theo họ của bố. Trong khi đó, “hôn nhân hai chiều” cho phép con gái được hưởng tài sản của bố mẹ để lại - dù không đáng kể. Đổi lại, họ chịu trách nhiệm chăm sóc phụ huynh khi tuổi cao sức yếu.
Nhà xã hội học Zhao Chunlan cho biết mô hình liang tou hun làm tăng mức độ quan tâm lẫn nhau giữa các thế hệ trong gia đình, đồng thời phần nào giải quyết được tình trạng bố mẹ già bị bỏ rơi do chính sách một con.
Trong các cuộc hôn nhân này, cặp vợ chồng thường luân phiên qua lại nhà nội - ngoại và sống ở đó một thời gian, giúp tránh được hiện tượng “tổ chim trống” vốn phổ biến ở vùng nông thôn Trung Quốc.
Đồng thời, những lần “chuyển nhà” liên tục như vậy cũng giúp thắt chặt mối quan hệ giữa gia đình hai bên và cho phép người cao tuổi trong nhà giúp cặp vợ chồng trông nom con cháu.
Trên hết, mô hình “hôn nhân hai chiều” được cho là sẽ giúp giải quyết tình trạng thừa kế vốn khó xử bằng cách thống nhất sẽ sinh hai con: một đứa mang họ bố, đứa còn lại theo họ mẹ.
Thật vậy, trong các cuộc đàm phán trước đám cưới, quyết định đẻ hai con thường được đưa ra trao đổi. Nếu một bên không chấp thuận sinh đứa thứ hai, họ sẽ không tham gia hình thức hôn nhân này.
Sẽ tranh chấp nếu không đồng lòng
Trong hầu hết cuộc “hôn nhân hai chiều”, ông bà nội - ngoại đồng ý chia đều của cải và tài sản của họ cho các cháu, dù chúng có mang họ của nhà đó hay không. Thế nhưng, cũng có trường hợp một bên thông gia đột ngột thay đổi ý định.
Tranh chấp có thể xảy ra nếu hai bên gia đình thay đổi "điều khoản". Ảnh: Getty. |
Nhà xã hội học Zhao cho biết trong lúc tiến hành điều tra thực địa, cô chứng kiến một nhà khá giả chỉ muốn để lại tài sản cho đứa cháu mang họ của gia đình. Những sự việc như vậy không chỉ khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa các ông bà, bố mẹ mà ngay cả giữa hai đứa trẻ.
Mô hình “hôn nhân hai chiều” sẽ chỉ tồn tại được khi vợ chồng đồng lòng, cũng như gia đình nội - ngoại ủng hộ. Nếu sự thống nhất đó bị phá vỡ, các cuộc cãi nhau, tranh giành gia sản ắt sẽ diễn ra.
Kể từ khi các phương tiện truyền thông đưa tin về sự phục hưng của liang tou hun, nhiều người tự hỏi liệu mô hình này có thể là giải pháp hữu hiệu cho một số vấn đề hôn nhân ở xứ tỷ dân hay không, như chuyện phụ nữ bị áp bức trong nhà chồng, nhu cầu được chăm sóc của những gia đình chỉ có một cô con gái, hay thậm chí vấn đề sính lễ xin dâu ngày càng đắt đỏ ở một số vùng.
Một số khác cho rằng “hôn nhân hai chiều” cũng chỉ là “một lớp sơn mới” phủ lên chế độ phụ hệ xưa cũ - một hệ thống được dựng lên để tiếp nối huyết thống gia đình và chọn người kế thừa tài sản.
"Hôn nhân hai chiều" phần nào gây thêm gánh nặng cho phụ nữ. Ảnh: Bloomberg. |
Hơn nữa, nhìn thoạt qua, mô hình này tưởng chừng là một phần của nữ quyền. Thế nhưng, thực chất nó làm tăng gánh nặng cho phụ nữ hơn khi họ được yêu cầu phải sinh hai con.
Mặt khác, liang tou hun có thể chỉ là sản phẩm của một khu vực nhất định, khó phát triển được rộng rãi. Trên thực tế, không giống nhiều vùng nông thôn khác ở Trung Quốc, ngôi làng ven biển ở phía đông đồng bằng Hàng Châu - Gia Hưng - Hồ Châu không hề nghèo khó, thậm chí là dư dả.
Nhiều nhà chỉ cách trụ sở của Alibaba - một trong những đầu tàu kinh tế địa phương - chưa đầy 5 km. Do đó, người dân nơi đây không cần phải rời quê hương để tìm kiếm cơ hội làm việc phù hợp. Điều này khiến cộng đồng địa phương có ý thức bảo tồn dòng giống mạnh mẽ hơn những địa điểm khác.
Nhìn chung, “hôn nhân hai chiều” phù hợp với khu vực giao thoa giữa làng quê truyền thống với thành phố hiện đại, nơi thương lượng và thỏa hiệp vẫn là mô hình khả thi để giải quyết vấn đề thời kỳ hậu kế hoạch hóa gia đình.
Tuy nhiên, nếu thế hệ Millennials Trung Quốc thực sự nghĩ rằng liang tou hun là giải pháp “bí mật” tuyệt vời cho những rắc rối của chế độ phụ hệ, họ hoàn toàn sai lầm.