Theo chia sẻ của độc giả Thanh Nga, hàng nghìn người đổ về khu bơi lội nổi tiếng tại Hà Nội vào 19/4 không khiến nhiều người ngạc nhiên. Tâm lý chung của người Việt lâu nay luôn mong chờ các sản phẩm, hàng hóa khuyến mại, miễn phí.
“Cảnh tượng ở Hà Nội không khác nhiều so với khu Du lịch Đại Nam (Bình Dương) mở cửa miễn phí vào cuối năm 2014”, bạn Nga nhận định.
Khi đó, hàng vạn người dân Bình Dương, TP HCM và các tỉnh lân cận đổ về khu du lịch khiến cho tình hình trật tự phức tạp, giao thông ùn tắc nhiều giờ liền. Đến mức, Chính phủ phải ra công điện yêu cầu các đơn vị liên quan phải có phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Hay mới đây, hàng nghìn người đứng chôn chân dưới nắng, khói bụi xe... trong nhiều giờ đồng hồ để nhận đồ ăn miễn phí từ cửa hàng ở TP HCM khiến giao thông bị ách tắc.
Cô gái bị tạt nước đến choáng váng ở khu vực sông lười, Công viên nước Hồ Tây sáng 19/4. Ảnh: Anh Tuấn. |
“Khi có thông tin ở đâu đó miễn phí, mọi người thường đi từng nhóm và việc không có ý thức chung như xếp hàng thì tình trạng hỗn loạn rất dễ xảy ra. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức thường không chuẩn bị chu đáo, lên các phương án, kịch bản dự phòng cũng là nguyên nhân dẫn tới cảnh chen lấn, nhốn nháo”, bạn Thanh Nga đưa ra lý giải.
Cùng chung quan điểm, sau khi xem hình ảnh được ghi lại tại công viên nước Hồ Tây trên Zing.vn, độc giả Nguyễn Linh nhìn nhận, đơn vị đáng trách là ban tổ chức.
Nữ bạn đọc phân tích, thứ nhất chương trình miễn phí vào chủ nhật nên lượng người chắc chắn sẽ đông gấp nhiều lần so với ngày thường; thứ hai, công viên miễn phí từ 8h đến 10h, nhưng đa số mọi người đến từ sớm và vui chơi tới chiều tối. Như vậy, việc tổ chức của chương trình đã không tính toán kỹ tới các yếu tố ngoại cảnh, thói quen của người đi bơi.
“Từ chiến lược quảng cáo với ý nghĩa tốt đẹp, đơn vị tổ chức lại biến công viên nước thành 'chiến trường'. Điều may mắn là không có thiệt hại về người và tài sản”, Nguyễn Linh góp ý.
Bạn đọc này cho rằng, trong những chương trình tới, mỗi ngày công viên nên tổ chức miễn phí hai giờ đồng hồ, vào cuối tuần giảm giá vé 50% sẽ thu hút lượng người đến ổn định và không xảy ra tình trạng như ngày 19/4 vừa qua.
Để được vào công viên miễn phí, nhiều người chấp nhận mạo hiểm. Ảnh: Anh Tuấn. |
Vượt rào có đáng?
Cả chục nghìn người từ già, thanh niên đến trẻ nhỏ đều đổ về công viên nước Hồ Tây trong ngày miễn phí. Số lượng phao bơi không đủ, nhiều người phải dùng chung một chiếc. Do quá đông, không gian bơi hạn chế, nhiều khách nữ bị sốc, sặc nước và phải mất vài phút mới trở lại trạng thái bình thường... Thực trạng ngày 19/4 tại công viên nước khiến nhiều độc giả ngán ngẩm.
“Ý thức mọi người để đâu và đi chơi như vậy làm sao vui? Tôi càng không thể hiểu nhiều bậc phụ huynh nghĩ gì khi bế con trèo rào để vào, chẳng may họ sảy chân thì ân hận kịp không? Việc cả nghìn người tắm chung trong một bể nước như vậy cũng không vệ sinh”, bạn Quốc Phong bình luận.
Một số ý kiến cũng cho rằng nhiều người chỉ vì được miễn phí số tiền nhỏ vào cổng để bị hành xác như vậy là không đáng.
“Tâm lý của nhiều người là khi thấy được phục vụ, vui chơi miễn phí sẽ bất chấp tất cả để tham gia, sở hữu bằng được. Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu sự miễn phí đó xứng đáng với công sức, thời gian các bạn bỏ ra sẽ tốt hơn”, bạn đọc có nickname Sao Băng viết.
Độc giả Vân thì bày tỏ, giá vé công viên nước Hồ Tây vui chơi từ sáng đến chiều thấp nhất là 120.000 đồng, cao nhất ở mức 220.000 đồng. Vì vậy, mọi người chỉ vì số tiền chỉ bằng vài bát phở mà chen lấn, trèo rào thì không đáng.
“Nếu bạn không may bị người khỏe mạnh hơn xô ngã, sặc nước... thì chẳng những bạn bơi lội chưa được thỏa thích, sung sướng mà còn rước bệnh tật, tai nạn vào người”, Vân nhìn nhận.
Trao đổi với báo chí sáng 20/4, lãnh đạo Công viên nước Hồ Tây thừa nhận, ban tổ chức đã không lường tới số lượng người dân đổ về đông như vậy. Công viên nước được thiết kế phục vụ tối đa 8.000 khách cùng lúc, trong khi đó, ngày 19/4, lượng khách tới đây khoảng 20.000 người.