Vụ phun trào núi lửa tại Tonga đã giúp hình thành một hòn đảo mới. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. |
Vụ phun trào xảy ra ngày 10/9, NASA Earth Observatory cho biết. Hòn đảo mới được hình thành chỉ 11 giờ sau khi núi lửa bắt đầu phun trào, dựa trên hình ảnh được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp từ vệ tinh.
Hòn đảo nhanh chóng mở rộng về diện tích. Hôm 14/9, các nhà nghiên cứu thuộc cơ quan địa chất Tonga xác định diện tích hòn đảo là 4.000 m2. Sáu ngày sau, diện tích đảo đã tăng 6 lần lên 24.000 m2, với độ cao 10 m trên mực nước biển.
Các hòn đảo được tạo thành từ núi lửa ngầm thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, NASA cho biết. Dù vậy, một số hòn đảo có thể tồn tại hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ.
Một ví dụ tiêu biểu là đảo Surtsey của Iceland. Được hình thành trong một vụ phun trào núi lửa ngầm từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đảo Surtsey có diện tích tối đa lên tới 2,7 km vuông.
Do xói mòn, diện tích hòn đảo đã giảm xuống còn 1,3 km2 vào năm 2012. Dù vậy, trên đảo vẫn tồn tại một hệ sinh thái gồm cả thực vật lẫn động vật.
Theo giới chức Tonga, tính đến hôm 23/9, ngọn núi lửa ngầm vẫn hoạt động. Dù vậy, nó không gây ra nguy cơ đáng kể tới hoạt động hàng không hay cư dân trong khu vực. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến cáo người dân không đi thuyền vào vùng bán kính cách ngọn núi lửa 4 km.