Đây là thông tin trong Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến lĩnh vực sản xuất năm 2019 tại thị trường Việt Nam vừa được trang tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, thuộc tập đoàn Navigos Group công bố.
Nhân sự cấp cao muốn chuyển việc nhiều hơn
Có tới 75% ứng viên trong ngành sản xuất đang có ý định chuyển việc làm. Trong đó, nhóm có nhu cầu nhảy việc cao nhất chính là cấp giám đốc hoặc cao hơn khi có tới 83% nhân sự nhóm này tham gia khảo sát cho biết sẽ tìm kiếm một công việc mới trong 6 tháng tới. Xếp sau là nhóm nhân sự cấp trưởng phòng, quản lý và chuyên viên.
Báo cáo cũng cho biết lĩnh vực ngành sản xuất có tỷ lệ muốn nhảy việc cao, khi các cấp nhân sự từ mới tốt nghiệp cho tới quản lý cấp cao đều có tỷ lệ tìm kiếm công việc mới trên 70%. Nhân sự cấp càng cao càng có nhu cầu muốn chuyển việc.
Lương và thưởng là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng tới quyết định nhảy việc của nhân sự ngành sản xuất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Báo cáo của VietnamWork cũng chỉ ra thời gian gắn bó lâu năm với một công ty không phải yếu tố quyết định để giữ chân nhân sự không tìm công việc mới. Các ứng viên làm việc lâu năm (từ 3 năm trở lên) lại chính là những người có nhu cầu chuyển việc cao nhất vào cuối năm nay, lên tới 81%.
Lương thưởng quyết định việc gắn bó với doanh nghiệp
Lý do lớn nhất khiến nhân sự cấp cao trong ngành sản xuất muốn nhảy việc chính là mong muốn tìm kiếm một mức lương, thưởng cạnh tranh và phù hợp với năng lực hơn.
Ngoài ra, việc muốn có môi trường làm việc chuyên nghiệp và địa điểm đi làm gần nhà hơn cũng là lý do khiến phần lớn nhân sự trong ngành này đang muốn nhảy việc. Điều này diễn ra nhiều hơn với nhóm nhân viên đã làm việc lâu năm tại công ty.
Theo các chuyên gia về thị trường lao động, xu hướng này sẽ tạo ra nguồn cung nhân sự chất lượng cao cho các vị trí quản lý của doanh nghiệp ngành sản xuất thời gian tới. Và để thu hút nhóm nhân lực tiềm năng này, các doanh nghiệp cần đầu tư quảng bá nhiều hơn về chế độ lương thưởng, chính sách phúc lợi và tăng cường quảng bá tuyển dụng cho những ứng viên trong khu vực gần dịp cuối năm.
Không chỉ nhóm nhân sự cấp cao, mức lương thưởng cũng đóng vai trò quan trọng nhất về quyết định gắn bó với một công ty của toàn bộ nhân sự ngành sản xuất.
Theo đó, mức lương thưởng tại công ty mới cao hơn là yếu tố đầu tiên khiến nhân sự ngành này muốn rời bỏ công việc hiện tại. Theo sau là việc mong muốn được hưởng chính sách phúc lợi tốt hơn, và mong muốn một vị trí, chức vụ cao hơn trong công việc.
Nhìn chung nửa đầu năm qua thị trường lao động trong lĩnh vực sản xuất diễn ra khá sôi động. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực này đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, và nguồn cung lao động cũng tăng 10%.
Trong đó, số lượng công việc và lượng hồ sơ ứng tuyển nhiều nhất là cấp chuyên viên. Nhóm 3 ngành nghề lĩnh vực sản xuất có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất là quy trình/sản xuất, cơ khí và điện/điện tử.
Trong khi đó, nếu xét theo địa điểm, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng cũng như nguồn cung lao động ngành sản xuất. Tuy nhiên, Hà Nam và Đồng Nai mới là hai tỉnh có sự gia tăng nhân lực trong ngành mạnh nhất 5 năm gần đây.