Vì lượng học sinh đến trường đông gấp 4 lần so với thời gian thí điểm cho lớp 9 và 12 đi học (từ ngày 13/12), ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, lưu ý các trường nên chia ca, buổi với thời khóa biểu hợp lý cho từng khối.
Khi hoạt động giáo dục trực tiếp tăng lên 2-3 lần so với trước đây, các trường phải có kịch bản phòng, chống dịch; kế hoạch dạy học tương ứng điều kiện thực tế của đơn vị. Trong đó, an toàn của học sinh được đặt lên hàng đầu.
Số lượng học sinh đi học tăng, các trường phải chuẩn bị thêm cơ sở vật chất và vật dụng y tế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Chí Hùng. |
Ông Dũng nhấn mạnh khi có ca bệnh, nhà trường phải khoanh vùng, cách ly, xử lý một cách tối ưu, không để lây chéo giữa học sinh và các bộ phận làm việc trong trường. Vấn đề này càng phải được thực hiện tốt khi mật độ học sinh tăng cao.
Học sinh đi học đông, các trường có thể bố trí lệch ca, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, chơi và tan trường.
Để đảm bảo khoảng cách, cơ sở giáo dục chủ động sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp, tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con. Sở GD&ĐT TP.HCM quy định tại một thời điểm, sĩ số không vượt quá 50% tổng số học sinh của đơn vị.
Với những trường thực hiện bán trú, giờ học trực tiếp không quá 8 tiết/ngày. Thời lượng dạy học trực tiếp được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp điều kiện phòng học đồng thời tuân thủ giãn cách theo quy định của ngành y tế.
Trong thời gian thí điểm (13/12-31/12/2021) cho học sinh khối 9 và 12 đến trường, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt hơn 96%. Tổng kết thời gian thí điểm, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết các cơ sở giáo dục gặp khó khăn về thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong nhà trường như thiếu đồ bảo hộ, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19. Nhiều trường cũng thiếu nhân viên y tế học đường chuyên trách.
Do đó, sở tiếp tục kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các cơ sở giáo dục. Để bổ sung nhân viên y tế cho trường học, sở mong muốn thành phố cho phép phối hợp sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm với nhân viên y tế trường học.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Công tác Xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, khuyên phụ huynh nên đưa trẻ đến trường. Đây là giải pháp tốt cho sức khỏe thể chất và tâm lý của học sinh, việc học trực tiếp cũng hiệu quả hơn.
Ông cho rằng nhiều phụ huynh vẫn còn lo ngại, sợ trẻ đến trường sẽ mắc bệnh và mang mầm bệnh về nhà. Đây là lo lắng quá đà, bởi người lớn vẫn đi làm, giao tiếp và có thể mang mầm bệnh về nhà.
"Chúng ta sợ trẻ đến trường mang mầm bệnh về cho gia đình? Vậy người lớn có đi ra ngoài không? Cho trẻ đến siêu thị, đến cửa hàng, qua nhà hàng xóm có an toàn hơn trường học không? Tôi cho rằng trường học kiểm soát được vấn đề an toàn. Hơn nữa, hiện nay, người lớn trong gia đình đều đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và đang chuẩn bị tiêm mũi thứ ba", bác sĩ Khanh nói.