Hiệp định trị giá hơn 6,2 triệu USD nhằm tăng cường năng lực giám sát và xét nghiệm Covid-19, nghiên cứu vaccine và bộ xét nghiệm Covid-19 cũng như truyền thông về dịch bệnh.
“Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn tiến nhanh chóng", bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết.
“Dự án khẩn cấp này không chỉ giúp Chính phủ nhanh chóng theo dõi và ứng phó với dịch Covid-19 mà còn góp phần xây dựng một hệ thống y tế vững chắc và có sức chống chọi với các sự kiện y tế khẩn cấp trong tương lai", bà nhấn mạnh.
Dự án sẽ tăng cường năng lực của hệ thống phòng xét nghiệm tại Viện Vệ sinh và Dịch tễ Trung ương (NIHE) và các hệ thống phòng xét nghiệm khác trên toàn quốc, giúp tăng năng lực đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19.
Lễ ký Hiệp định Viện trợ không hoàn lại của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Ngân hàng Thế giới. |
Khoản viện trợ này cũng sẽ được dùng cho công tác mua sắm và cung cấp thiết bị nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), giúp phục vụ nghiên cứu, phát triển vaccine mới và xét nghiệm chẩn đoán nhanh.
Dự án sẽ hỗ trợ cho khoảng 200 phòng xét nghiệm tham gia giám sát và xét nghiệm Covid-19 tại các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh trên địa bàn toàn quốc.
Dự án hỗ trợ cho NIHE và POLYVAC, hai đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine và y tế công cộng hàng đầu của Việt Nam, trực tiếp góp phần cải thiện năng lực của Việt Nam trong công tác phát hiện và ứng phó với Covid-19.
Dự án được tài trợ bởi Quỹ Tài chính Khẩn cấp Phòng chống Đại dịch (PEF) qua khoản bảo hiểm được phân bổ cho Việt Nam.