Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM nợ BHXH hàng tỷ đồng. Ảnh: Chí Hùng. |
Bảo hiểm xã hội TP.HCM vừa có văn bản cung cấp thông tin về tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, TP ghi nhận 58.092 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 1 trở lên với tổng số tiền nợ hơn 4.537 tỷ đồng.
Trong đó, có hơn 41.000 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng với tổng số tiền nợ là 1.966 tỷ đồng. Khoảng 6.700 đơn vị nợ từ 3 tháng đến dưới 6 tháng với tổng số tiền nợ gần 424 tỷ đồng.
TP còn ghi nhận gần 3.550 đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng đến dưới 12 tháng với tổng số tiền nợ trên 335 tỷ đồng và hơn 6.600 đơn vị nợ từ 12 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 1.812 tỷ đồng.
Theo cơ quan BHXH TP.HCM, việc doanh nghiệp nợ BHXH ảnh hưởng đến việc xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc, tức người lao động chỉ được xác nhận đến thời điểm đơn vị nộp đủ tiền.
Đồng thời, người lao động không được giải quyết kịp thời các chế độ BHXH như hưu trí, đau ốm, thai sản...
Do đó, thời gian tới, cơ quan này sẽ kiểm tra đối chiếu đơn vị nợ đọng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đồng thời, lập biên bản làm việc yêu cầu đơn vị khắc phục nợ và thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
"Bảo hiểm Xã hội TP.HCM sẽ công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH từ 6 tháng trở lên trên các phương tiện truyền thông đại chúng", cơ quan này nói thêm.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các doanh nghiệp không chấp hành đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hoặc không ký biên bản làm việc, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Trước đó, Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội cũng ghi nhận đến hết tháng 1 có gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nợ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Tổng số tiền nợ do chậm đóng các loại bảo hiểm vượt 1.500 tỷ đồng. Thời gian các doanh nghiệp nợ, chậm đóng dao động 1-182 tháng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.