Tròn một năm trước, khi lễ đặt viên đá đầu tiên được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam long trọng tổ chức, dải bờ biển đẹp này hãy còn là một không gian mênh mông gió cát. Bây giờ khu vực công viên Biển Đông hoàn toàn đổi khác. Một không khí sôi động tràn ngập công trường. 13 doanh nghiệp, đối tác dốc toàn lực chạy đua với thời gian để đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án vào ngày 27/7 tới.
Theo Giám đốc DNTN Việt Ngân Đinh Công Tâm, từ 14/1, đơn vị luôn duy trì khoảng 100 nhân công tại các hạng mục chính. Việt Ngân đảm nhận phần quảng trường, bậc cấp dẫn lên tượng đài, bệ tượng, lối đi dành cho người khuyết tật, đường vận hành xe điện. Thi công trên mặt bằng đồi cát, nguồn nước, nguồn điện đều xa, lao động củaViệt Ngân là những tay thợ lành nghề, giàu kinh nghiệm.
Hiện, thách thức lớn nhất của các nhóm thợ Việt Ngân là đoạn đường dẫn hơn 100 bậc cấp, dài 60 m, từ bề mặt quảng trường vươn lên độ cao 13 m tới chân nhóm tượng “Những người nằm lại phía chân trời”.
Công nhân thi công trên công trường tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. |
Cách đấy không xa, gần 20 thợ đá gần như bị “nhấn chìm” trong bụi đá và âm thanh cưa, cắt, mài, đục chát chúa. Đây là xưởng chế tác dã chiến của những bàn tay bậc thầy huy động từ các làng nghề truyền thống Ninh Bình. Để thi công nhóm tượng đài Gạc Ma, họ phải đánh vật với kỹ thuật xử lý chất liệu đá granite Vạn Ninh vốn sáng, mịn, nhưng cứng hơn đá Thanh Hóa quen thuộc ngoài Bắc.
Anh Trần Công Kiên - người quản lý của đơn vị tại công trường - cho biết: “Cụm tượng từ 6 nhân vật ban đầu nay đã tăng lên 9. Vật liệu do vậy cũng tăng. Có nhóm nhân vật phải tạo hình liền khối từ những tảng đá nặng đến 14 tấn. Tổng khối lượng đá huy động cho tác phẩm là 289 m3”.
Công trường khu tượng niệm chiến sĩ Gạc Ma. |
Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hòa - thành viên Ban Quản lý dự án - cung cấp mấy số liệu phản ánh tiến độ: “Phần mỹ thuật đạt 60%, san lấp và đường công vụ đạt 60%, trạm biến áp đạt 80%, nén tĩnh cọc 80%, tượng đài và lối lên khu tưởng niệm 40%...”.