Như vậy, có đến 40.006 thùng trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ có lượng chì vượt mức cho phép đã được tiêu thụ hoặc vẫn còn lưu thông ngoài thị trường. Đại diện doanh nghiệp này khẳng định có trách nhiệm với sản phẩm của mình. Tùy từng trường hợp mà giải quyết thỏa đáng cho những khách hàng đã mua, sử dụng các sản phẩm nằm trong 2 lô hàng nhiễm chì mà Bộ Y tế đã công bố.
Buổi gặp mặt báo chí để thông tin kết quả thanh tra toàn diện nguyên liệu đầu vào, thành phẩm và các nhà máy của URC Việt Nam suốt 3 tháng qua của Bộ Y tế được phía URC tổ chức sáng nay (5/8), không có sự hiện diện của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, đại diện hội bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Jai Gamboa, Tổng giám đốc URC Việt Nam cho biết, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đã kiểm tra tổng số 68 mẫu sản phẩm và nguyên liệu từ các nhà máy Bình Dương và Quảng Ngãi. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy các sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quy định, bao gồm tiêu chuẩn về hàm lượng chì. Kết quả này là để bổ sung cho kết quả thanh tra trước đó của Bộ Y tế tại URC Hà Nội.
Lãnh đạo URC Việt Nam thừa nhận mới chỉ thu hồi hơn 1.000 thùng sản phẩm trong tổng số hơn 41.000 thùng C2 và Rồng Đỏ có lượng chì vượt mức cho phép đã lưu thông ngoài thị trường. |
Trước đó, trong đợt thanh tra tại nhà máy URC Hà Nội, thanh tra Bộ Y tế phát hiện các sản phẩm thuộc 2 lô trà chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ chứa hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể là lô trà xanh hương chanh C2 (ngày sản xuất 4/2/2016, hạn dùng 4/2/2017) và nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (ngày sản xuất 10/11/2015, hạn dùng 10/8/2016). Hai lô sản phẩm này đã lưu thông ra thị trường.
Bên cạnh đó, kho bảo quản sản phẩm không đảm bảo kín, biện pháp phòng chống động vật gây hại tại kho chưa đảm bảo theo quy định về an toàn thực phẩm.
Thanh tra Bộ Y tế đã áp dụng hình thức xử phạt với tổng số tiền phạt cho 4 hành vi vi phạm của Công ty URC là hơn 5,8 tỷ đồng. Trong đó, hành vi bán sản phẩm nhiễm chì ra thị trường bị phạt nặng nhất, chiếm hơn 99% mức xử phạt.
Trong khi đó phía URC khẳng định đã lấy mẫu 2 lô hàng trên kiểm tra, đồng thời ủy quyền cho một đơn vị kiểm nghiệm độc lập khác là Eurofins. Kết quả cũng khẳng định sản phẩm an toàn.
Đơn vị này cho rằng: "Không hiểu lý do vì sao Bộ Y tế lại công bố kết quả như vậy". Và "Bộ cũng không đưa ra nguyên nhân, kết luận nào khẳng định vì sao 2 lô hàng trên lại có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép".
Một điều đáng chú ý là trên website của URC Việt Nam có ghi rõ, một số nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm của 2 lô C2 và Rồng Đỏ trên, cụ thể là Axit Citric được nhập từ Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, lượng nguyên liệu này chiếm khoảng 1% toàn bộ nguyên liệu sản xuất.
"Nhưng nguyên liệu được nhập từ nguồn nào cũng đều trải qua quá trình kiểm tra gắt gao từ cơ quan chủ quản trực tiếp là Bộ Y tế và tuân thủ quy trình nghiêm ngặt của doanh nghiệp", đại diện hãng nói.
Dù nói không đồng tình với kết quả kiểm tra, tuy nhiên, trả lời chất vấn của báo chí, phía URC lại khẳng định kết luận của Bộ Y tế là ý kiến cuối cùng, doanh nghiệp tôn trọng tất cả các yêu cầu xử lý của cơ quan quản lý nhà nước, tức là thừa nhận 41.190 thùng trà xanh, nước tăng lực đang lưu thông ngoài thị trường có lượng chì cao hơn mức công bố.
"Chúng tôi đã tìm mọi cách, mọi nguồn có thể để thu hồi sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, số sản phẩm thu hồi đạt 1.184 thùng", ông Jai Gamboa nói.
Vị này cũng phân trần, kết quả kinh doanh 3 tháng qua của URC khá buồn khi thị phần, doanh số giảm sau khi sản phẩm bị phát hiện nhiễm chì. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn làm ăn nghiêm túc, lâu dài tại Việt Nam và có trách nhiệm với người tiêu dùng nên tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm lấy lại niềm tin của thị trường.
BS Huỳnh Quang Đại, Khoa nội tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc, cho biết chì là một kim loại nặng. Ngộ độc chì được chia làm 2 nhóm: Ngộ độc cấp tính sẽ làm tăng áp lực nội sọ, gây tổn thương não cấp. Triệu chứng biểu hiện là nôn, lơ mơ, hôn mê, co giật...
Nhóm 2 là ngộ độ mạn tính, tức ngộ độc tích lũy từ ngày này qua qua ngày khác trong cơ thể. Người lớn hấp thụ chì thấp hơn trẻ nhỏ. Trẻ càng nhỏ tác hại càng nặng, gây ra tình trạng rối loạn chức năng của nơron thần kinh. Triệu chứng biểu hiện là kích thích tăng động, giảm thần kinh nhận thức, giảm trí thông minh của trẻ.
Trong trường hợp hiếm hoi, ngộ độc chì có thể gây co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.
Người trưởng thành tiếp xúc với chì cũng ghi nhận tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản.