Ông Osama Rabie, Chủ tịch Cơ quan Quản lý kênh đào Suez, cho biết hiện chỉ còn 61 tàu đang xếp hàng. Những con tàu này sẽ đi qua kênh đào trong ngày 3/4. Trước đó, vào lúc cao điểm, số tàu xếp hàng chờ đi qua kênh là 422, Reuters cho biết.
Trong ngày 2/4, Cơ quan Quản lý kênh đào Suez đã cho phép 80 con tàu đi qua kênh này, trong đó có tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower của quân đội Mỹ, cùng một số tàu chở dầu và khí hóa lỏng, theo USA Today.
Kể từ khi khôi phục giao thông trên kênh đào Suez hôm 29/3, tổng cộng 357 phương tiện đã đi qua tuyến hàng hải này. Theo Nikkei Asia Review, Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho phép tăng gấp đôi lượng tàu di chuyển qua tuyến đường thủy kể từ 30/3 để nhanh chóng giải phóng các tàu đang tắc nghẽn.
Các tàu xếp hàng đợi bên ngoài lối vào kênh đào Suez. Ảnh: Reuters. |
Theo Guardian, việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn đã thúc đẩy việc tìm giải pháp thay thế cho hành lang vận chuyển quan trọng nhất thế giới.
Trước đó, Liên Hợp Quốc ủy quyền cho công ty đào hầm quốc tế OFP Lariol nghiên cứu tính khả thi của dự án “Suez 2”. Theo công ty này, con kênh mới có thể được nạo vét trong vòng 5 năm.
Kênh “Suez 2” sẽ chạy thẳng từ vịnh Aqaba trên biển Đỏ sang Địa Trung Hải. Kế hoạch này đang được Ủy ban về Các tuyến đường thương mại nối Các nền kinh tế của Liên Hợp Quốc giám sát.
Liên Hợp Quốc cũng đang xem xét việc tái tạo một tuyến đường thủy thời cổ đại nối sông Nile và biển Đỏ.
“Đó là một ý tưởng thú vị”, Mo Sez, chuyên gia khu vực trong lĩnh vực quản lý nguồn nước, cho biết.
Mặc dù các kỹ sư hàng hải cảnh báo “Suez 2” sẽ không thể chứa được những “siêu tàu” mang 20.000 container như Ever Given, dự án này vẫn được xem là một phương án khả thi.