Ngày 26/7, các đoàn đại diện Chính phủ, Quốc hội, chính đảng, Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngoại giao đoàn các nước và kiều bào Việt Nam đã đến viếng và ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN. |
Chủ tịch đảng Công Minh - đối tác của đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong liên minh cầm quyền ở Nhật Bản, Thượng nghị sỹ Natsuo Yamaguchi, đã bày tỏ sự tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một lãnh đạo kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Natsuo Yamaguchi cho biết trong chuyến thăm đến Nhật Bản vào năm 2015, ông đã có vinh dự được diện kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Abe Shinzo.
Ông bày tỏ mong muốn nhân dân Việt Nam nhanh chóng vượt qua nỗi đau này và tiếp tục phấn đấu và vươn lên phía trước.
Ông khẳng định trong mối quan hệ rất tốt đẹp và bền vững giữa Việt Nam với Nhật Bản có sự đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trên nền tảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đóng góp và tạo dựng, Chủ tịch đảng Công Minh hy vọng hai nước thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương. Theo ông, đây là cách tốt nhất để báo đáp công sức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bộ trưởng Kỹ thuật Số, ông Kono Taro đã đến viếng và ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bộ trưởng Kono Taro viết: “Tình cảm chúng tôi hướng về người dân Việt Nam,” đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ song phương tiếp tục vững mạnh.
Sau khi làm lễ viếng, Tham mưu trưởng liên quân Nhật Bản, Đại tướng Yoshida Yoshihide, đã ghi sổ tang bày tỏ sự chia buồn sâu sắc nhất với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Đại tướng Yoshida viết: “Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sát cánh với nhân dân Việt Nam trong giờ phút đau buồn này.”
Đặc phái viên của Chủ tịch Hạ viện, Tổng Vụ trưởng Đối ngoại Hironori Yamamoto, viếng và ghi sổ tang: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ để đưa Việt Nam phát triển hơn nữa. Ông cũng đã có những đóng góp to lớn để thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản trong những năm qua.”
Đại diện sứ quán Lào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản. Ảnh: TTXVN. |
Chia sẻ về ấn tượng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thống đốc tỉnh Kanagawa, ông Kuroiwa Yuji, cho biết lần đầu tiên ông gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015. Đó là dịp Lễ hội Việt Nam đầu tiên tại Kanagawa được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến phát biểu trong lễ khai mạc.
Bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đã được tất cả các cơ quan truyền thông Việt Nam truyền trực tiếp về trong nước.
Thống đốc Kuroiwa Yuji cho biết chính nhờ điều đó mà Lễ hội Việt Nam tại Kanagawa trở thành một sự kiện có ảnh hưởng lớn.
Đối với Kanagawa, đây là điều rất đáng mừng và tạo ra một tiền đề để cho quan hệ Kanagawa với Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Từ đó, Lễ hội Việt Nam diễn ra hằng năm tại Kanagawa và ngược lại Lễ hội Kanagawa được tổ chức thường xuyên tại Hà Nội.
Vào thời điểm diễn ra Lễ hội Việt Nam đầu tiên ở Kanagawa, có 10.000 người Việt Nam sống tại tỉnh và giờ đây con số này tăng lên mức 34.000 người.
Vào thời điểm năm 2015, không có bất kỳ một doanh nghiệp nào của Kanagawa đầu tư vào Việt Nam nhưng bây giờ có 17 doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Kanagawa hỗ trợ vô cùng tích cực cho các doanh nghiệp Kanagawa sang làm ăn ở Việt Nam.
Thống đốc Kuroiwa Yuji nhấn mạnh: “Chúng ta bắt đầu bằng giao lưu văn hoá và bây giờ đang là giao lưu kinh tế và chúng ta đang tiến hành giao lưu trên nhiều lĩnh vực. Người tạo ra xuất phát điểm đó chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tôi rất biết ơn ông vì điều này.”
Thống đốc tỉnh Yamanashi, Nagasaki Kotaro, bày tỏ sự đau buồn khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Thống đốc Nagasaki Kotaro cho biết trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản vào tháng 9/2015, ông có vinh dự được gặp Tổng Bí thư.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản mặc niệm. Ảnh: TTXVN. |
Ấn tượng đầu tiên của ông về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một phong thái điềm đạm, hiền hòa nhưng đầy uy nghiêm, toả sáng trí tuệ của một lãnh đạo. Ông xúc động cho biết lúc đó, với tư cách là nghị sỹ Quốc hội, ông đã có vinh dự được chụp ảnh chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thống đốc Nagasaki Kotaro khẳng định những lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đóng góp rất lớn cho tăng cường quan hệ giữa tỉnh Yamanashi với Việt Nam.
Ông bày tỏ sự kính phục đối với những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư cho quan hệ hai nước và kính chúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng an nghỉ.
Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yushita Hiroyuki viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam, một người bạn lớn của Nhật Bản.”
Cũng trong ngày 26/7, kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục đến viếng và ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trà My, một sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, đã viết: “Bản thân con từ khi còn trên ghế nhà trường đại học, được tiếp thu và học tập tư tưởng đạo đức-lý luận chính trị, con thật sự đã thấm nhuần được lý tưởng cách mạng và biết ơn đến các vị anh hùng dân tộc.
Từ tận đáy lòng, con xin hứa sẽ trở thành một công dân tốt và có ích cho xã hội. Con có thể chưa đủ năng lực để sánh vai với các vị lãnh đạo và anh hùng đi trước. Nhưng con hứa sẽ luôn làm việc và học tập hết mình vì là người Việt Nam.”
Một thanh niên Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản viết: “Đời đời chúng cháu khắc ghi công ơn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng cháu xin hứa sẽ là người công dân Việt Nam ưu tú dù có ở bất cứ nơi đâu. Xin luôn mang theo tinh thần mà Tổng Bí thư luôn mang, tinh thần của một thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh."
Tổng cộng có hơn 400 đoàn đã đến viếng và ghi sổ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhật Bản.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...