Năm 2022 là một năm khó khăn của thị trường tiền mã hóa khi liên tục gặp những vụ tấn công của tin tặc.
Chỉ tính đến ngày 13/10, có ít nhất 718 triệu USD đã bị đánh cắp trong nửa tháng qua, nâng tổng số tiền bị mất cắp trong năm 2022 lên tới hơn 3 tỷ USD - xác lập một kỷ lục mới so với những năm trước.
Theo Bloomberg, đối tượng mục tiêu hiện nay của các nhóm tin tặc là các dự án tài chính phi tập trung (DeFi), đặc biệt là các startup còn non trẻ.
Khi sử dụng phần mềm DeFi, các nhà đầu tư có thể vay tiền mà không cần để lộ danh tính hay thậm chí không cần kiểm tra điểm tín dụng. Điều này khiến nhiều người ưa thích DeFi vì tính tiện lợi và tổng số tiền mã hóa được đầu tư trong các dự án này đã lên tới khoảng 100 tỷ USD.
10 vụ tấn công tiền điện tử lớn nhất trong năm 2022 | |||||||||||
Tổng giá trị tiền mã hóa trong 10 vụ đánh cắp lớn nhất là 1,7 tỷ USD | |||||||||||
Nhãn | Ronin Network | Wormhole | Nomad Bridge | Wintermute | Binance Bridge | Harmony Bridge | Mango Markets | Qubit Finance | Beanstalk | Fei Rari | |
Số tiền bị đánh cắp mỗi vụ | triệu USD | 540 | 325 | 190 | 162 | 100 | 100 | 100 | 80 | 77 | 77 |
Tuy nhiên, lỗ hổng bảo mật lớn nhất trong các dự án DeFi lại chính là "hợp đồng thông minh" (smart contract) - công cụ chính để vận hành dự án. Vì hợp đồng thông minh dùng mã nguồn mở (một phần mềm mà mã code của chúng được công khai), nên các hacker có thể tạo ra một đợt tấn công trên chính nền tảng của phần mềm, thay vì tấn công trực tiếp vào một tài khoản của khách hàng. Đây chính là nguyên nhân mà các vụ tấn công hầu hết là lấy đi toàn bộ tiền của một dự án chứ không phải một vài cá nhân.
Hơn nữa, theo Chainalysis, bản chất mã nguồn mở của các dự án DeFi chính là lý do khiến chúng hấp dẫn đối với hacker. Tin tặc có thể dành nhiều thời gian kiểm tra code được tải lên công khai để tìm điểm yếu.
"Ngay cả với các những nền tảng được xem xét kỹ càng, lỗ hổng vẫn tồn tại. Do đó, những công ty đứng sau các giao thức DeFi cần có cách tiếp cận toàn diện hơn về bảo mật", chuyên gia của Chainalysis khuyến cáo.
Ngoài ra, chuyên gia của Chainalysis cũng nhấn mạnh rằng "tháng 10 là tháng nguy hiểm nhất" đối với thị trường tiền mã hóa.
Tuần trước, lại một vụ tấn công nữa xảy ra và khoảng 2 triệu Binance Coin - tương đương gần 570 triệu USD - đã bị đánh cắp. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, có khoảng 470 triệu USD được đóng băng, và phần 100 triệu USD còn lại thì không thể thu hồi.