Dựa trên số liệu của chính phủ Trung Quốc, bất chấp những hạn chế đi lại phòng dịch Covid-19, ít nhất 1.421 người trốn ra nước ngoài đã được đưa trở lại nước này vào năm 2020.
Con số đó vào năm 2021 là 1.114 người. Số liệu chỉ bao gồm những người bị bắt vì phạm tội kinh tế hoặc tội phạm công vụ, Guardian đưa tin.
Safeguard Defenders ước tính trong báo cáo công bố hôm 18/1 tổng số người bị bắt quay lại Trung Quốc là hơn 10.000 kể từ khi Bắc Kinh triển khai chiến dịch "săn cáo" vào năm 2014 và chiến dịch "lưới trời" vào năm 2015.
Vào năm 2018, "lưới trời" được chuyển sang cơ quan phi tư pháp mới thành lập, Ủy ban Giám sát Quốc gia. Vào tháng 2/2021, ủy ban khởi động lại chương trình, mở rộng tìm kiếm những người đào tẩu trong các lĩnh vực chính trị, pháp lý và dân sự.
Bất chấp đại dịch, Trung Quốc vẫn bắt giữ 2.500 người đào tẩu ra nước ngoài quay về nước. Ảnh: Xinhua. |
Báo cáo cho biết Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để buộc các cá nhân quay trở lại nước này. Ngoài các thỏa thuận song phương chính thức về dẫn độ và trục xuất, giới chức có thể yêu cầu từ chối gia hạn hộ chiếu, hay dùng truy nã đỏ của Interpol để có lệnh quốc tế.
Các nhà chức trách Trung Quốc công khai ca ngợi chương trình này. Vào tháng 12/2021, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) của Trung Quốc mô tả hoạt động của năm qua là "hiệu quả".
Trong thông báo vào năm 2015, CCDI tuyên bố hơn 70 “nhóm công tác” đã được cử đến 90 quốc gia và khu vực, với hoạt động đặc biệt “được hỗ trợ đầy đủ bởi cơ quan thực thi pháp luật ở nước ngoài, đại sứ quán, lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài và cảnh sát”.
Trung Quốc luôn khẳng định hành động của mình là hợp pháp.
“Trong quá trình thực hiện hoạt động chống tham nhũng quốc tế, Trung Quốc luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp của các quốc gia, luật pháp quốc tế và các hoạt động tư pháp", CCDI cho biết hồi tháng 11/2020.