Trong tình hình dịch bệnh vì virus corona vẫn còn những diễn biến khó lường, mạng xã hội Trung Quốc cũng lan truyền rất nhiều thông tin thất thiệt về cách phòng ngừa virus. Theo phóng viên Masha Borak của SCMP, cô còn nhận được lời khuyên uống dấm và tránh uống cafe từ WeChat để bảo vệ bản thân.
Đang đối phó với dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra, Trung Quốc còn phải tìm cách hạn chế các thông tin giả. Ảnh: EPA. |
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã bắt giam hàng trăm người vì lan truyền tin đồn về virus trên mạng xã hội. Theo tổng hợp của tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc (CHRD) dựa trên các thông tin truyền thông, Trung Quốc đã bắt giam và phạt 250 người lan tin đồn.
Vấn đề càng phức tạp hơn khi nhiều tin đồn được cho là thất thiệt ban đầu, về sau lại được chứng minh là có cơ sở. Vào đầu tháng 1, một bác sĩ đã chia sẻ lên WeChat về một dịch bệnh gây viêm phổi mà ông đang chữa trị. Vị bác sĩ này ban đầu cho đây là dịch SARS, nhưng sau đó sửa lại rằng đây có thể là một virus mới. Thực tế dịch bệnh mới cũng xuất phát từ chủng virus corona giống SARS, nhưng là một biến thể khác.
Cảnh sát Vũ Hán sau đó đã triệu tập bác sĩ này và yêu cầu ông ký cam kết không tiếp tục chia sẻ về dịch bệnh mới. Tới cuối tháng 1, khi virus mới được xác nhận có thể lây từ người sang người, một thẩm phán tòa án tối cao Trung Quốc đăng bài trên WeChat, đổ lỗi hành vi cấm chia sẻ thông tin của cảnh sát Vũ Hán đã khiến dịch bệnh lan rộng hơn.
Trung Quốc hiện tại cũng chưa có một bộ luật được thông qua để kiểm soát thông tin giả. Do đó, những nỗ lực kiểm soát thông tin của chính quyền nhiều lúc lại khiến các thông tin chính xác không được phổ biến.
Khi dịch bệnh bùng phát, kiểm soát thông tin giả là việc khó. Vào năm 2014, khi dịch bệnh Ebola lan rộng, nhiều bài viết giả về những ca mắc bệnh ở Mỹ đã được chia sẻ trên Facebook và nhận hàng nghìn lượt thích.
Nhiều tin đồn sai sự thật về số người nhiễm, chết vì virus corona được lan truyền trên mạng. Ảnh: SH. |
Những thông tin càng giật gân càng dễ được chia sẻ. Một người đàn ông ở thành phố Thẩm Dương cho biết đã có 90.000 ca nhiễm virus ở quê nhà của anh. Theo Xinhua, người này sau đó đã bị mời lên làm việc và tạm giữ 10 ngày.
"Có người lan tin đồn để tăng tương tác, và cũng có người chia sẻ tin đồn để tỏ ra mình là người nắm nhiều thông tin", giáo Sư Alton Chua từ đại học Nanyang, Singapore nhận định.
Theo giáo sư Henry Chen từ Đại học kinh tế Hong Kong, một nguyên nhân khác khiến mọi người chia sẻ tin đồn là vì họ thấy chúng đáng tin. Việc thiếu vắng những nguồn tin chính thống, đáng tin cậy khiến mọi người dễ tin vào các tin đồn hơn.
"Tăng minh bạch sẽ giúp giảm các tin giả và sai sự thật", ông Chen nhận định.