Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 16h chiều nay, tâm bão Conson cách đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi 140 km. Sáng 12/9, bão số 5 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, ngày 11/9,các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to. Lượng mưa trung bình từ 150 - 250 mm, có nơi lên đến 300 mm.
Nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng bị ngập
Theo ghi nhận của Zing, mưa to khiến các tuyến đường ở Đà Nẵng như Hùng Vương, Phạm Văn Đồng, Hàm Nghi... bị ngập cục bộ. Lúc hơn 16h, nhiều phương tiện lưu thông trên các tuyến đường bị ngập nước, chết máy.
Khu vực ven biển Đà Nẵng gió bắt đầu giật trên cấp 6. Người dân và phương tiện, nhất là xe máy đi qua các cầu Thuận Phước, sông Hàn, Trần Thị Lý... gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, kiểm tra công tác phòng chống bão tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trước diễn biến phức tạp của bão, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu công an, quân đội cử lực lượng túc trực 24/24 để sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân chống bão.
Chủ tịch UBND các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, nhất là những vùng trực diện với bão, nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, ven sông suối, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Theo kế hoạch, hơn 6.000 người dân cư trú ở vùng trũng thấp sẽ được di dời nếu bão số 5 đổ bộ.
Kiểm tra công tác phòng chống bão tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu đơn vị liên quan phối hợp với Bộ đội biên phòng kiểm soát, tạo điều kiện cho ngư dân di chuyển tàu thuyển vào nơi trú ẩn an toàn.
Nhiều tuyến đường Đà Nẵng bị ngập cục bộ. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng nhận định bão số 5 có diễn biến phức tạp và nguy cơ đổ bộ lúc địa phương đang gồng mình chống dịch. Do đó, các sở, ngành và địa phương phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ là chống bão nhưng không để dịch bệnh lây lan.
Bí thư Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế tổ chức test SARS-CoV-2 đối với các ngư dân trên tàu. Trong trường hợp bão đổ bộ, Bộ đội biên phòng cùng địa phương kêu gọi ngư dân đến các tòa nhà kiên cố để đảm bảo an toàn.
"Trước khi họ được di tản phải thực hiện test nhanh SARS-CoV-2. Các trường hợp âm tính sẽ được lên bờ. Đối với những người dương tính, phải có phương án riêng để xử lý”, ông Quảng nói.
Một số nơi ở Quảng Nam bị cô lập
Ông Hồ Công Điểm, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cho biết nhiều tuyến đường đi 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc đã xuất hiện điểm sạt lở, nước lớn khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
"Hiện nay, nhiều nơi đã cô lập, cây cầu nối vào thôn Trà Văn A, xã Phước Kim bị lũ cuốn trôi sau trận lũ quét cuối năm 2020 chưa được sửa chữa. Khi mưa lớn, nước trên thượng nguồn đổ về khiến ngôi làng này bị chia cắt, cô lập", ông Điểm nói.
Lực lượng quân đội giúp ngư dân đưa tàu thuyền đến nơi tránh bão an toàn. Ảnh: Hạnh Chi. |
Ngày 11/9, huyện Phước Sơn đã huy động lực lượng vũ trang di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở núi. Có 278 hộ dân với hơn 1.100 nhân khẩu đã được di tản đến nơi an toàn.
"Địa phương thực hiện sơ tán tại chỗ, người dân sẽ di dời sang nhà người thân, đối với người không có nhà kiên cố sẽ di dời đến trường học. Việc này đảm bảo phòng chống dịch vì địa phương bố trí số lượng ít, đảm bảo khoảng cách", Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông. UBND tỉnh cũng khuyến cáo nhân dân trên địa bàn không nên ra đường từ 20h ngày 11/9.
Tàu cá, sà lan bị nạn ở Lý Sơn
Trong lúc chạy về bờ tránh trú bão, chiều 11/9, tàu cá của ông Dương Văn Thạch (ngụ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị sóng lớn gây phá nước khi cách huyện đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý. 16h cùng ngày, tàu CBS 8002 đã tiếp cận ứng cứu, đưa 5 lao động vào bờ.
Cũng tại Quảng Ngãi, tàu kéo mang số hiệu ĐNA 0494 gồm 12 thành viên, do ông Nguyễn Dũng (ngụ Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) làm thuyền trưởng đã gặp nạn khi neo tránh trú bão ở vùng biển thôn An Hải, huyện đảo Lý Sơn.
Khoảng 11h ngày 11/9, chân vịt của sà lan bị quấn không hoạt động được và trôi dạt về hướng nam, cách vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn khoảng 3 hải lý.
Các thuyền viên trên tàu không khắc phục được nên đã đề nghị hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn. Đến chiều tối cùng ngày, sà lan đã bị chìm. Tất cả 12 thuyền viên được tàu kéo ĐNA 0494 đưa vào bờ.
Tại huyện đảo Lý Sơn, nhà chức trách đã di dời, sơ tán 145 hộ dân với 375 khẩu và 51 lồng bè nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn.
21 ngôi nhà bị tốc mái
Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm tốc mái 21 ngôi nhà ở huyện Phong Điền. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân sửa lại nhà cửa. Người ở trong các ngôi nhà không kiên cố được di dời đến nơi an toàn.
Bộ đội giúp dân gia cố nhà cửa. Ảnh: Điền Quang. |
Còn tại Quảng Trị, nhà chức trách đã chuẩn bị sẵn phương án tổ chức sơ tán người dân khi bão đổ bộ. Địa phương đã xây dựng kịch bản di dời 163 hộ với 742 nhân khẩu ra khỏi khu vực có các dự án điện gió.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị vẫn còn khoảng 4.100 ha lúa chưa thu hoạch nằm rải rác tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa có nguy cơ ảnh hưởng mưa lũ cuối vụ.
Để hạn chế thiệt hại do bão gây ra, lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo Cồn Cỏ đã giúp người dân trên đảo đưa tàu thuyền lên bờ trú bão, chằng chống nhà cửa.