Theo trang nghiên cứu thị trường Betterthancash, hiện nay trên thế giới có hơn 2 tỷ người chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính. Các điều tra về mức độ hiểu biết kiến thức ngân hàng, tài chính cho thấy, phần lớn dân số thiếu các kiến thức về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính và các vấn đề liên quan.
Thị trường Việt Nam hàng năm vẫn xảy ra rất nhiều vụ gian lận trong thanh toán thẻ, giao dịch ngân hàng gây thiệt hại cho cả phía ngân hàng và khách hàng sử dụng.
Sáng 21/11, Vụ truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ban sản xuất các chương trình giải trí Đài Truyền hình Việt Nam đã phối hợp thực hiện và ra mắt chương trình “Tiền khéo, tiền khôn” với mục tiêu mang lại kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân.
Nhiều vụ gian lận trong thanh toán thẻ, giao dịch ngân hàng đã xảy ra do người dân thiếu kiến thức về dịch vụ ngân hàng. Ảnh minh họa: Nguyễn Quang. |
Với nội dung liên quan tới các dịch vụ ngân hàng hiện nay, cách sử dụng thẻ ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, cách tiếp cận các dịch vụ ngân hàng như gửi tiết kiệm, vay vốn ngân hàng, và nhiều dịch vụ khác, chương trình được sản xuất nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực tài chính ngân hàng, góp phần giảm thiểu chi phí, rủi ro cho người sử dụng và dịch vụ tài chính. Đồng thời, mục đích của chương trình này là tăng cường khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đang đẩy mạnh tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thúy Sen, Phó vụ trưởng Vụ truyền thông NHNN, đây là một trong những chương trình truyền thống nhằm thực hiện Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu chính là mang đến cho người dân những thông tin gắn với quá trình sử dụng dịch vụ tài chính như thanh toán, dịch vụ ngân hàng đảm bảo, an ninh, an toàn bảo mật trong quá trình thanh toán cũng như giao dịch.
"Những thông tin liên quan tới lãi suất của các ngân hàng cũng sẽ được đưa ra, để giúp người dân tránh xa tín dụng đen. Đồng thời là những hiểu biết gửi tiền tiết kiệm thế nào cho hiệu quả, vay vốn ngân hàng ra sao để giảm thiểu rủi ro", bà Sen chia sẻ.
Theo thống kê của Visa Master, năm 2015, tổng tiền thiệt hại từ hành vi gian lận trên thế giới lên tới 21 tỷ USD. Tương đương cứ mỗi 100 USD giao dịch thẻ sẽ bị mất 7 cent. Tuy tỷ lệ thiệt hại ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 bình quân của các nước trên thế giới nhưng gần đây đang có xu hướng gia tăng.
Tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội diễn ra cách đây ít ngày, hàng loạt câu hỏi, vấn đề liên quan tới việc chống gian lận trong thanh toán, giao dịch ngân hàng điện tử, giao dịch thẻ... giảm thiểu chi phí giao dịch ngân hàng được nhất nhiều đại biểu đặt ra với Thống đốc NHNN.
Thống đốc NHNN cho biết nguyên nhân của tình trạng gian lận gia tăng này là các ngân hàng bị cài đặt việc sao chép dữ liệu. thông tin bảo mật của ngân hàng cũng có lỗ hổng. Người sử dụng cũng lộ lọt thông tin, bị chiếm dụng để chiếm đoạt tiền. Ngoài ra, còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin của cơ quan chấp nhận thẻ. Thậm chí có cả chuyện thông đồng để chiếm đoạt.
Liên quan đến việc này, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo. NHNN ban hành thông tư để tra soát, kiểm soát, quy định trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong bồi hoàn từng trường hợp cụ thể. NHNN cũng chỉ đạo nhiều tổ chức tín dụng giải quyết kịp thời quyền lợi của khách hàng, ứng tiền khi đang điều tra.
Trên thực tế, việc phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng đặc biệt thấp không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả các nước có nền kinh tế phát triển. Đối với nhiều quốc gia, phổ biến kiến thức tài chính - ngân hàng trở thành một trong những chính sách ưu tiên dài hạn, với sự phát triển của hàng loạt các chương trình giao dịch và phổ biến kiến thức ngân hàng - tài chính được triển khai bởi chính phủ và các tổ chức.
Trong khi đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), bảo vệ người sử dụng các sản phẩm tài chính là một vấn đề rất quan trọng cho việc phát triển một thị trường dịch vụ tài chính hiệu quả, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.