Theo cập nhật của HCDC, tính đến hết ngày 27/6, tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện từ khu cách ly tại TP.HCM là 1.826. Số lượng này tương đương hơn 1/2 tổng ca mắc tại thành phố (3.286 ca).
"Phần lớn trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại khu cách ly là do nhiễm từ trước", HCDC nhận định.
F1 tại khu cách ly dương tính sau 1-5 lần xét nghiệm
Theo thống kê từ HCDC, trong số các trường hợp mắc Covid-19 trong thời gian cách ly, 1.091 người có kết quả dương tính lần 1 (chiếm tỷ lệ gần 55,8%). Các bệnh nhân được phát hiện ngay sau khi được chuyển vào khu cách ly tập trung, đã lây nhiễm trước đó từ các F0.
603 người có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2 (chiếm tỷ lệ 33%), là nhóm được lấy mẫu sau khi vào khu cách ly 5 ngày. HCDC đánh giá nhóm này có khả năng rất cao nằm trong thời gian ủ bệnh và được phát hiện vào ngày thứ 5 sau khi được cách ly.
143 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 3 (chiếm tỷ lệ 7.8%), sau khi vào khu cách ly 10 ngày. Nhóm này vẫn có khả năng cao là đã lây từ trước và đang trong thời gian ủ bệnh.
Ngoài ra, 53 ca có kết quả xét nghiệm dương tính lần 4 (chiếm tỷ lệ 3%) và 8 trường hợp có kết quả dương tính lần 5 (chiếm tỷ lệ 0,4%).
Người cách ly tập trung tại ký túc xá Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh sinh viên (hiện là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 1). Ảnh: Chí Hùng. |
Thời gian ủ bệnh hiện nay của SARS-CoV-2 vẫn được ghi nhận là 14 ngày. Thực tế, thành phố vẫn ghi nhận một số trường hợp cách ly tuyệt đối tại khách sạn, đã có kết quả dương tính vào ngày thứ 20 (N20).
HCDC kết luận tỷ lệ xét nghiệm dương tính lần 1, lần 2 và lần 3 theo thống kê từ các ca nhiễm ghi nhận tại khu cách ly là 96,6%. Số lượng còn lại là những trường hợp phát hiện sau khi người cách ly chung phòng với họ đã dương tính.
Lý giải nguyên nhân này, HCDC cho biết có 2 khả năng. Thứ nhất là trường hợp này ủ bệnh lâu hơn thông thường, thứ 2 là bị lây nhiễm từ người cách ly cùng phòng.
"Các điều tra tại các khu cách ly cho thấy không có sự lây nhiễm chéo giữa các phòng khác nhau trong khu cách ly", đại diện HCDC nhận định.
Giải pháp hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly
Theo nhận định của cơ quan kiểm soát dịch bệnh tại thành phố, dù phần lớn số ca bệnh dương tính phát hiện trong khu cách ly cho là lây nhiễm từ trước, vấn đề cần quan tâm là nhóm này có thể là nguồn lây cho những người khác trong cùng khu cách ly. Do đó, thành phố cần có giải pháp kiểm soát lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung.
Hiện tại, TP.HCM tiến hành cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh theo quy định là 21 ngày và sẽ lấy mẫu xét nghiệm 5 lần vào các ngày: N1, N5, N10, N15, N20. Trong đó, người được lấy mẫu ngay khi chuyển vào khu cách ly.
Một trường hợp F1 cách ly tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển đến bệnh viện điều trị Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo quy định của Bộ Y tế, số lần lấy mẫu xét nghiệm được quy định là 4 lần, vào các ngày: N1, N7, N14, N20. Như vậy, TP.HCM đã tăng thêm một lần xét nghiệm so với quy định của Bộ Y tế. Thành phố cũng chuẩn bị thực hiện thêm xét nghiệm kháng nguyên nhanh xen kẽ các lần làm xét nghiệm rRT-PCR để phát hiện sớm hơn nữa.
Về giải pháp hạn chế lây chéo trong khu cách ly, HCDC quy định chỉ tổ chức cách ly tập trung ở các địa điểm mà mỗi phòng cách ly có nhà vệ sinh riêng. Mỗi phòng có tối đa 2 giường, đảm bảo khoảng cách 2 m và có màn che ngăn cách giữa 2 giường. Các đơn vị tổ chức khu cách ly tập trung không chọn trường học, xem xét lựa chọn cách ly tại khách sạn tại địa phương.
Hai người được xếp chung phòng theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa thông thoáng. Công tác vệ sinh, khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ ngày. Các khu cách ly bắt buộc phải có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly.
Đơn vị quản lý cần thiết lập sóng WiFi phục vụ nhu cầu truy cập Internet của người cách ly và truyền thông cho họ về nguy cơ lây nhiễm chéo. Người cách ly cần tuân thủ đeo khẩu trang thường xuyên, tự vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không giao lưu với các phòng khác.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.