23h ngày 5/11, địa bàn huyện Đại Lộc tiếp tục có mưa lớn. Khu vực trung tâm huyện ngập trong nước lũ. Các tuyến đừng đi qua thị trấn Ái Nghĩa, Trung tâm hành chính huyện, mực nước gần 1 m. Trong ảnh: Khuôn viên trung tâm hành chính huyện Đại Lộc ngập sâu. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho hay trong ngày 5/11, mực nước ở sông Vu Gia luôn mức báo động 3. "Nguyên nhân là mưa to kéo dài cùng với các nhà máy liên tiếp xả lũ", ông Mẫn thông tin. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 15.500 ngôi nhà trên địa bàn huyện bị ngập nước. Trong đó, trụ sở các xã như Đại Phong, Đại Hồng cũng bị nước tràn vào trong hơn 70 cm. |
Dù chưa có số liệu thống kê, so sánh chính thức nhưng theo ông Mẫn, đợt lũ này tương đương với trận "đại hồng thủy" năm 1999. "Đến 21h ngày 5/11, trên địa bàn đã có 2 người tử vong và 2 nạn nhân bị nước cuốn trôi, chưa tìm thấy thi thể", Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói với Zing.vn. |
Ở một số xã như Đại Phong, Đại Lãnh đã bị nước lũ cô lập. Khoảng 4.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, khiến người dân phải đi sơ tán. |
Theo ghi nhận của Zing.vn, do nước lũ lên nhanh và tràn vào trụ sở nên lãnh đạo các xã như Đại Phong, Đại lãnh và Đại Hồng phải tạm gác những công việc để tập trung ứng phó với lũ. UBND huyện cũng yêu cầu các xã phải cử người thường xuyên túc trực để ứng phó với các sự cố có thể xảy ra. |
Chiều 5/10, đoàn lãnh đạo huyện Đại Lộc đã về các xã bị cô lập để thị sát tình hình. "Trước mắt chúng tôi sẽ yêu cầu di dời khoảng hơn 100 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm", ông Mẫn nói. |
Việc đi lại ở các xã Đại Phong, Đại Lãnh... gặp rất nhiều khó khăn. Người dân sở tại cho biết lũ tràn về từ lúc 4h sáng. "Nếu các nhà máy thủy điện tiếp tục xả thì mực nước sẽ còn cao hơn nữa", ông Nguyễn Quốc Thận, Phó chủ tịch UBND xã Đại Lãnh, nói. |
Cuộc sống và sinh hoạt của người dân Đại Lộc khó khăn, đảo lộn khi họ không thể đi làm, con cháu phải nghỉ học. |
Cuối chiều 5/11 nước lũ tràn vào trụ sở UBND xã Đại Lãnh. Dù đã đóng kín phòng, nước vẫn chảy vào trong. Lãnh đạo xã phải tháo gỡ các thiết bị lên cao để hạn chế hư hỏng. |
Người dân và lãnh đạo địa phương chủ yếu di chuyển bằng thuyền gỗ. |
Ông Nguyễn Quốc Phong (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) tranh thủ cất gọn đồ dùng lên cao. "Lũ về bất ngờ khiến nhiều đồ dùng bị nước cuốn trôi, hàng trăm con gia súc, gia cầm của tôi đã bị chết do lũ", ông Phong rầu rĩ. |
Huyện Đại Lộc được coi là rốn lũ của tỉnh Quảng Nam. Theo cơ quan khí tượng, trong 2 ngày qua, mưa lớn đổ xuống nhiều tỉnh miền Trung. Các điểm mưa cực đại gồm: A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 867 mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 764 mm; Bắc Trà My (Quảng Nam) 791 mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 640 mm; TP Quảng Ngãi 495. Ảnh: Google Maps. |