Với nghiệp vụ chính là huy động vốn và cho vay tín dụng, nguồn thu các ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc rất nhiều vào những khoản lãi từ cho vay là lãi phải trả từ tiền gửi của người dân.
Tại hầu hết ngân hàng, chênh lệch từ lãi suất cho vay và lãi suất huy động (thu nhập lãi thuần) luôn đóng góp hơn 80% vào lợi nhuận hàng năm.
Hơn 100.000 tỷ đồng trả lãi tiền gửi
Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, khoản tiền gửi của khách hàng được tính riêng với khoản tiền vay. Vì vậy, khoản trả lãi tiền gửi thường chỉ tính tới các khoản lãi mà ngân hàng phải trả cho tiền gửi của khách hàng năm 2016.
Năm 2016, khối lượng tiền mà người dân, doanh nghiệp gửi tại 8 ngân hàng niêm yết bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, ACB, MBBank, Eximbank, VIB và NCB lên tới hơn 2,57 triệu tỷ đồng.
Số tiền này lớn tới mức cao gấp rưỡi tổng giá trị vốn hoá toàn thị trường chứng khoán của Việt Nam ở hiện tại (hơn 1,7 triệu tỷ đồng).
Tính đến hết năm 2016, số lượng tiền gửi của khách hàng tại 8 ngân hàng đã lên tới 2,57 triệu tỷ đồng. Đồ hoạ: Phượng Nguyễn.
|
Với khối lượng tiền gửi khổng lồ, 8 ngân hàng cũng phải chi ra tới 101.616 tỷ đồng để trả lãi cho của người dân trong năm 2016. Nếu tính lãi suất theo công thức lấy tiền lãi phải trả chia tổng tiền gửi, mức lãi suất trung bình khách hàng được hưởng khi gửi tiền ngân hàng hiện nay chỉ vào khoảng 4%/năm.
Hơn 100.000 tỷ đồng tiền lãi lớn như thế nào?
Hiện tại, chiếc ôtô đắt nhất thế giới đang có giá là 3,9 triệu USD, tương đương hơn 85 tỷ đồng.
Với số tiền lãi khổng lồ từ 8 ngân hàng trả cho khách hàng trong năm 2016 có thể mua được hơn 1.130 chiếc, trong khi số lượng những chiếc ôtô này trên thế giới chỉ dưới 150 chiếc.
Giá đất đắt nhất thế giới được thống kê hiện khoảng 135.000 USD/m2, tương đương hơn 3 tỷ đồng tại đại lộ Princesse Grace, Monaco. Vậy số tiền trả lãi từ 8 ngân hàng có thể mua được hơn 33.000 m2 đất ở nơi đây để xây dựng 4 Sân vận động Mỹ Đình.
Khoản tiền lãi này thậm chí có thể mua được cả vốn hoá trên sàn chứng khoán của chính những ngân hàng như VietinBank với giá trị 68.697 tỷ đồng, BIDV với giá trị 58.802 tỷ đồng…
Với kích thước mỗi tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng là 152 x 65 mm, xấp xỉ 100 cm2. Hơn 100.000 tỷ đồng tiền lãi có thể phủ kín 12 sân bay quốc tế Nội Bài.
Quán quân trả lãi tiền gửi là ai?
Lượng chênh lệch tiền gửi của người dân tại BIDV và Vietcombank không quá cao tuy nhiên BIDV lại phải trả lãi tiền gửi cao gấp 1,8 lần so với Vietcombank.
Khoản lãi mà các ngân hàng trả cho khách hàng trong năm 2016 (theo số liệu trên báo cáo tài chính ngân hàng). Đồ hoạ: Quang Thắng. |
Cụ thể, tính đến hết năm 2016, tổng tiền gửi của khách hàng tại BIDV đạt hơn 726.185 tỷ đồng, tại Vietcombank là 590.398 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiền gửi của người dân tại BIDV cao gấp 1,2 lần so với Vietcombank.
Tuy nhiên, BIDV đã phải chi ra hơn 32.248 tỷ đồng để trả lãi tiền gửi của khách hàng, trong khi Vietcombank chỉ chi ra hơn 17.949 tỷ đồng. Hiện tại, lãi suất tiền gửi của BIDV cũng cao hơn Vietcombank ở hầu hết kỳ hạn.
Lãi suất giảm nhưng lãi phải trả vẫn tăng
Năm 2016 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ lãi suất khi nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB… đồng loạt giảm lãi suất huy động. Động thái này của các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích để tiến tới giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc lãi suất giảm cũng không khiến cho lãi phải trả của các ngân hàng giảm khi lượng tiền gửi của người dân ngày càng tăng mạnh.
Năm 2016, nhiều ngân hàng ghi nhận đà tăng mạnh về khối lượng tiền gửi của khách hàng như Vietcombank tăng gần 18%, BIDV tăng hơn 28%, VietinBank hơn 30%...
Khối lượng tiền trả lãi tiền gửi của ngân hàng Vietcombank từ năm 2010 đến 2016. Đồ hoạ: Quang Thắng. |