Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn 1.000 trẻ ở TP.HCM có nguy cơ không được học lớp 1

Sổ tạm trú không đủ thời hạn theo quy định tuyển sinh khiến hơn 1.000 học sinh của quận 12, TP.HCM, đứng trước nguy cơ không được đi học tại các trường công lập trên địa bàn.

'Mẹ ơi, khi nào con được đi học?' Người mẹ tại TP.HCM chia sẻ con chị không đủ điều kiện vào lớp 1 trường công lập. Nhiều ngày nay, con liên tục hỏi mẹ về việc đến trường.

Có con gái đầu vào lớp 1, những ngày này, chị Cao Thị Liên (phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) như ngồi trên đống lửa. Hơn một tuần nữa, học sinh bắt đầu khai trường. Chị vẫn chưa sắm sửa quần áo, sách vở cho con.

“Bây giờ, tôi chưa biết con có được đi học lớp 1 hay không. Mỗi trường đều dùng bộ sách và đồng phục khác nhau. Thấy bạn bè trong xóm có quần áo, cặp sách mới, bé hỏi 'Con có được đi học không mẹ”, 'Sao mẹ chưa mua quần áo cho con', làm tôi rớt nước mắt”, chị Cao Thị Liên nói.

hoc sinh lop 1 TP.HCM khong duoc di hoc anh 1

Năm học mới cận kề nhưng hàng nghìn học sinh vẫn chưa biết có được đi học hay không. Ảnh: Minh Thừa.

“Nếu không được nhận, đành cho con nghỉ học”

Con của chị Liên chỉ là một trong số hơn 1.000 học sinh chuẩn bị vào lớp 1 nhưng chưa có chỗ học. Năm học mới đã cận kề, phụ huynh chưa biết con em mình có được đi học hay không. Các trường tiểu học trên địa bàn từ chối nhận học sinh vì điều kiện KT3 (sổ tạm trú) không đủ. Đa số trẻ thiếu điều kiện là con công nhân, lao động tự do, gia đình không thể cho học trường tư thục.

So với yêu cầu tuyển sinh lớp 1 của quận 12, sổ tạm trú của chị Liên thiếu 3 tháng (quy định tính từ ngày 31/7/2019 trở về trước). Từ khi biết con không đủ điều kiện được nhận vào lớp 1, chị lên phường, quận và Sở GD&ĐT TP.HCM trình bày hoàn cảnh, nhờ giải quyết nhưng các bên đều lắc đầu.

“Phường trả lời trường hợp của tôi không thể giải quyết được vì quy định tuyển sinh. Họ hướng gia đình cho con học trường tư thục, gửi về quê học hoặc hoãn một năm. Nếu năm sau yêu cầu KT3 hơn 2 năm hoặc chỉ nhận học sinh có hộ khẩu, con tôi biết làm sao? Học phí trường tư quá sức với gia đình. Ông bà ở quê già yếu, bệnh tật nên càng không thể gửi con về”, người mẹ cho biết.

hoc sinh lop 1 TP.HCM khong duoc di hoc anh 2

Trả lời của phường Hiệp Thành về trường hợp của con chị Liên và nhiều người khác. Ảnh: NVCC.

Chị Liên nghỉ sinh từ năm 2019. Khi chị quay lại làm việc, gặp dịch Covid-19, công ty cắt giảm lao động, người phụ nữ này đành nghỉ ở nhà đến nay. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình 4 người trông cả vào người chồng làm nghề lái xe.

Từ Thanh Hóa vào TP.HCM làm công nhân may mặc từ năm 2011, gần 10 năm nay, chị chỉ ở trọ tại một địa chỉ nhưng không để ý đến việc làm sổ tạm trú. Đầu năm 2019, gia đình chị đăng ký làm sổ tạm trú để cho con đi học nhưng phải đến tháng 10/2019 mới được nhận sổ.

“Không phải mình không lo trước cho con. Nhưng ở trọ, chủ này bán nhà cho chủ khác. Gần 10 năm, tôi không biết chủ trọ mình là ai để nhờ làm sổ. Tôi chạy đôn chạy đáo để con làm sổ nhưng mấy tháng chưa xong. Đến nay, quận thông báo điều kiện KT3 phải từ tháng 7/2019 về trước”, chị Liên giãi bày.

Tương tự, trường hợp con chị Lương Thị Quỳnh Hoa (phường Hiệp Thành, quận 12) chưa được nhận vào lớp 1 do KT3 thiếu 2 tháng so với quy định tuyển sinh. Chị cũng được phường Hiệp Thành hướng dẫn 3 cách giải quyết như trên. Suy đi tính lại, không có lựa chọn nào phù hợp, chị đành nghĩ cho con nghỉ học một năm nếu không có cách giải quyết.

“Lương hai vợ chồng chỉ khoảng 10 triệu đồng, phải lo mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình 4 người. Học phí trường tư rẻ nhất cũng phải 3-4 triệu đồng/tháng. Bé út còn phải đi gửi mẫu giáo", chị Hoa nói.

Khác với 2 trường hợp trên, con chị Nguyễn Thị Bội Ngọc (quận 12) lại không được nhận vào lớp 1 vì KT3 của gia đình chị bị gián đoạn.

Sổ tạm trú cũ của chị hết hạn từ năm 2018. Thời gian đó, chỗ trọ có tranh chấp đất đai nên phường không giải quyết làm tiếp sổ tạm trú. Gia đình phải thuê một chỗ trọ khác để lấy địa chỉ làm KT3. Đến tháng 8 năm nay, chị mới có sổ mới. Tuy nhiên, trong sổ, phường không xác nhận điều kiện tạm trú liên tục, dẫn đến việc con chị không được nhận vào lớp 1.

“Con gái lớn của tôi vẫn đi học trường công bình thường, năm nay lên lớp 4. Nghĩa là ít nhất từ 4 năm trước, tôi đã có KT3 đầy đủ. Nhưng đến giờ, con trai út lại không được đi học. Tháng 7, trường tiểu học gửi thông báo nhập học. Sau khi phát hiện KT3 của gia đình tôi không đủ kiều kiện, trường đã loại tên bé khỏi danh sách”, chị Ngọc cho hay.

hoc sinh lop 1 TP.HCM khong duoc di hoc anh 3

Con chị Ngọc không có tên trong danh sách học sinh của trường, dù trước đó đã có thông báo nhập học của phường. Ảnh: Minh Nhật.

Học sinh tăng nhưng không có thêm trường mới

Chia sẻ với báo chí, Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12, cho biết năm nay, số lượng học sinh tăng nhưng quận không xây được thêm trường tiểu học mới.

Sĩ số học sinh trung bình năm ngoái là 45 em/lớp, vượt quá tiêu chuẩn. Quận tính đến phương án sắp xếp các lớp dạy hai buổi mỗi ngày, tăng sĩ số lớp lên 48 em nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ chỗ học. Do đó, quận phải đưa ra điều kiện tuyển sinh là học sinh có hộ khẩu hoặc KT3 tính từ ngày 31/7/2019 trở về trước.

Với điều kiện này, quận tuyển được 7.404 học sinh lớp 1 cho 22 trường tiểu học công lập. Cả quận vẫn còn hơn 1.700 em thuộc diện có KT3 chưa đủ điều kiện, chưa kể số học sinh thuộc diện tạm trú, hồ sơ bị các phường trả về nên chưa được nhận vào lớp 1.

Ông Hùng cho biết đầu tháng 8, quận quyết định nâng sĩ số lên 50 em/lớp để nhận thêm được 700 em thuộc diện KT3 chưa đủ thời hạn. Những trường hợp gia đình chính sách, hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… được ưu tiên giải quyết.

Hơn 1.000 trường hợp còn lại, phòng giáo dục hướng dẫn phụ huynh có thể cho con học trường ngoài công lập hoặc gửi về quê cho con đi học.

Trưởng phòng giáo dục quận 12 cho rằng do yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới bắt học học sinh lớp 1 phải học 2 buổi/ngày dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học trầm trọng như năm nay.

Đại biểu Quốc hội: 'Học sinh có phải đi học thêm nữa không?'

Sắp tới, cả nước thực hiện chương trình phổ thông mới. Một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi học sinh có phải đi học thêm nữa hay không.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm