Đợt mưa giữa tháng 8 khiến nhiều địa phương như huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana (Đắk Lắk), thiệt hại nặng nề vì ngập lụt. Tuy nhiên, tại huyện M’đrắk lại xảy ra hạn hán kéo dài khiến hơn 1.000 ha lúa, cây trồng và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Từ tháng 5 đến nay, huyện M’đrắk chưa có cơn mưa nào đáng kể, hàng chục hồ nước trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ khô khốc. Trong ảnh, một máy bơm của người dân vứt lại đập ở xã Cư M'ta sau khi nước trơ đáy không thể cứu cây trồng. |
Hàng chục hồ nước bị trơ đáy, nứt nẻ. Theo người dân, mọi năm thời tiết tại huyện M'đrắk khá khắc nghiệt nhưng năm nay là nặng nhất. |
Theo thống kê của huyện M’đrắk, địa phương có hơn 500 ha lúa nước chết khô, mất trắng. Còn 500 ha lúa bị thiếu nước trầm trọng đang được bơm chống hạn nhưng tình hình không khả quan. |
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường (ngụ thôn 4, xã Cư Króa), có hơn 3 sào ruộng nhưng năm nay bị hạn hán làm chết cháy. “Các năm trước, dù có hạn hán, gia đình vẫn tìm được nguồn nước để bơm vô ruộng, nhưng năm nay coi như mất trắng", anh Cường nói. |
Không có nước sản xuất, đất nứt nẻ, nhiều người dân đã bỏ ruộng. |
Nhiều hồ nước xuống dưới mức xả, hồ bị trơ đáy. Ông Y Dứ Niê (ngụ xã Cư M'ta) cho biết gia đình cùng 5 hộ khác góp tiền mua dầu chạy máy bơm liên tục nửa tháng qua để cứu lúa. Tuy nhiên, hiện nước tại đập Ea Mar sắp cạn nhưng lúa mới chỉ cứu được khoảng 50%. "Thời gian tới, nếu không có mưa thì lúa sẽ chết khô trở lại, hơn 4 sào lúa của gia đình có nguy cơ mất trắng", ông Y Dứ lo lắng. |
Tương tự, ông Phạm Văn Hóa (ngụ thị trấn M’đrắk) cố gắng dùng máy bơm để hút những vũng nước còn lại trên hồ thủy lợi Ea Kpal để cứu hơn 1 ha lúa nước đang trong giai đoạn làm đòng. Theo ông Hóa, hồ thủy lợi Ea Kpal có dung tích hơn 410.000 m3 đã cạn tới đáy nên cống không còn khả năng tự chảy nước vào đồng ruộng. |
Ngoài nước phục vụ cho việc sản xuất, hạn hán cũng khiến hàng trăm giếng nước của người dân tại xã Cư Króa bị cạn khô. |
Để có nước sinh hoạt, bà Nguyễn Thị Nhung (64 tuổi, ngụ thôn 4, xã Cư Króa) phải dắt xe đạp đi hơn 1 km xin nước về dùng. "Mỗi ngày tôi đi 2 chuyến xin được gần 60 lít nước về nấu ăn. Còn nước tắm giặt phải dùng nước ao", bà Nhung nói. |
Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'đrắk, biến đổi khí hậu đã làm thời tiết diễn biến thất thường. Những năm gần đây, huyện M'đrắk liên tục xảy ra hạn hán, riêng năm nay hạn hán diễn ra khắc nghiệt hơn, gây thiệt hại đến nhiều diện tích cây trồng của người dân. |