Chiều 11/10, Bộ Y tế họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài thông tin về tiến độ tiếp nhận vaccine, lãnh đạo Bộ Y tế chia sẻ về việc sắp ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.
“Vaccine về nhanh và nhiều”
Theo thống kê, đến hết ngày 10/10, Việt Nam tiếp nhận 87,7 triệu liều vaccine, chủ yếu là từ nguồn thương mại. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 81,7 triệu liều và tổ chức tập huấn toàn quốc hướng dẫn sử dụng các loại vaccine mới như Abdala, Hayat-Vax.
Đến nay, cả nước đã tiêm được gần 55 triệu liều. Gần 39 triệu người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 (chiếm 54,3% dân số từ 18 tuổi), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (chiếm 22,1%).
Với khoảng 26 triệu liều vaccine tiếp nhận trong 10 ngày đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá lượng vaccine về gần đây nhanh và nhiều. Tốc độ tiêm vaccine được đẩy lên rõ nét, nâng tỷ lệ sử dụng lên 91% so với số vaccine được phân bổ.
Tính đến ngày 10/10, Việt Nam đã tiếp nhận gần 90 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Đ.X. |
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng tỷ lệ này vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, cần phải đẩy mạnh tốc độ tiêm hơn nữa. Đến nay, có 8 tỉnh, thành phố đã bao phủ ít nhất 1 mũi vaccine cho trên 90% dân số từ 18 tuổi; 2 địa phương bao phủ được 70-80%; 4 tỉnh đạt 50-70% và có đến 49 tỉnh mới bao phủ 1 mũi vaccine cho dưới 50% người từ 18 tuổi. Một số tỉnh như Quảng Trị, Lai Châu, Kiên Giang, Yên Bái, Hà Giang… mới sử dụng 50-80% số vaccine được phân bổ.
TP.HCM là địa phương có số lượng vaccine được phân bổ và người được tiêm cao nhất cả nước. Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, địa phương đã tiêm 12,3 triệu liều vaccine, trong đó có hơn 7 triệu liều là mũi 1 co 98% người từ 18 tuổi và 5,3 triệu mũi 2 (tương đương 72%).
Ông Đức đánh giá nguồn vaccine được cấp cho TP.HCM khá ổn định. Những ngày gần đây, người đến hạn tiêm mũi 2 đều được tiêm ngay. Ngoài tổ chức tiêm vét cho khoảng 140.000 người chưa được tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau, TP.HCM đang lên kế hoạch tiêm vaccine cho những người quay lại TP làm việc trong thời gian tới.
Sắp có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dự kiến trong 20 ngày cuối tháng 10, Việt Nam có thể tiếp nhận gần 40 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau. Số lượng vaccine trong 2 tháng cuối năm về Việt Nam dự kiến là hơn 65 triệu liều.
Bên cạnh việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine trong năm 2021, ông Tuyên đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2022. Dự kiến nhu cầu vaccine trong năm 2022 ở Việt Nam là 166 triệu liều để tiêm cho các đối tượng bao gồm trẻ em 12-17 tuổi.
Về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người nước ngoài, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố thiết lập đầu mối liên hệ để các doanh nghiệp, địa phương lập danh sách. Các tỉnh phải tiêm bao phủ mũi 1 vaccine cho người nước ngoài trước ngày 31/10 và cập nhật số liệu lên hệ thống tiêm chủng.
Nhân viên y tế ở TP.HCM tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Ảnh: Hải Dương. |
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế đặc biệt lưu ý tiến độ giao nhận, vận chuyển vaccine về địa phương, đơn vị. Ông Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phân bổ về các kho của các quân khu. Các địa phương sau đó nhanh chóng đến tiếp nhận vaccine. Nếu năng lực bảo quản, công suất dây chuyền lạnh chưa đáp ứng được, các địa phương phải xây dựng lộ trình tiếp nhận với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur các khu vực.
“Nếu quá thời gian trong lộ trình cam kết mà các địa phương không lên nhận, phải báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế để điều chuyển vaccine cho địa phương, đơn vị khác”, ông Tuyên nói và cho rằng việc tiếp nhận vaccine đã khó, khi có vaccine rồi phải thúc đẩy quá trình tiếp nhận, vận chuyển, triển khai tiêm nhanh nhất có thể để tăng tốc độ bao phủ.
Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Chương trình tiêm chủng quốc gia cũng đang xây dựng tài liệu tập huấn về việc tiêm vaccine cho trẻ em. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang thảo luận trước khi quyết định tiêm chủng ở trường học hay ở nơi lưu trú.