Ngày 7/6, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức diễn đàn hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em với chủ đề “Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ”.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết lao động trẻ em đang là vấn đề toàn cầu. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên toàn thế giới, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Trong khi đó, Việt Nam có 1,75 triệu trẻ em thuộc nhóm lao động, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. 67% lao động trẻ em Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp, số còn lại làm việc trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Theo số liệu thống kê của ILO, đa số lao động trẻ em trên thế giới làm công việc liên quan đến nông nghiệp (chiếm 59% tổng số lao động trẻ em). Biểu đồ: Mỹ Hà. |
Theo báo cáo của Khảo sát Quốc gia về lao động trẻ em, trong số lao động trẻ em, chỉ có 45,2% hiện vẫn còn đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa từng đi học.
Việc phải lao động sớm gây ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em. Điều này cũng gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Việc tham gia lao động sớm còn cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý và cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp.
Dựa trên tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống pháp luật, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc diễn đàn "Đừng để trẻ em lao động trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ" sáng 7/6. Ảnh: Mỹ Hà. |
Chính phủ cũng có kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững với 17 mục tiêu, trong đó có mục tiêu 8.7 nhằm xóa bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ và đến năm 2025 chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á tiên phong hình thành liên minh 8.7 nhằm tập trung giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong lĩnh vực nông nghiệp và giáo dục đối với lao động trẻ em.
“Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của các bộ, ngành sẽ giúp luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu về lao động trẻ em tốt hơn và tương lai của các em, xa hơn là tương lai nguồn nhân lực của đất nước được đảm bảo”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Ngày 12/6 hàng năm là Ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc.