Đường Thống Nhất chạy từ thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đến khu phi quân sự chia đôi hai miền bán đảo, tổng cộng dài 170 km.
Tại điểm đầu con đường, người ta cho dựng một cổng chào lớn với tượng hai người phụ nữ mặc trang phục truyền thống đứng hướng mặt về nhau, cùng đưa tay nâng tấm bản đồ bán đảo Triều Tiên thống nhất. Các biển báo hiệu hai bên đường chỉ khoảng cách tới Seoul, thủ đô Hàn Quốc, dù trên thực tế xe cộ không thể đi đến đó.
Đây là một trong những con đường tốt nhất Triều Tiên. Đường được tráng nhựa, rộng và tầm nhìn nhìn chung là tốt. Song đường cũng có nhiều vết nứt và ổ gà, vạch phân làn không rõ. Ban đêm đường hoàn toàn tối, trừ khi có đèn chiếu từ xe khác. Nếu ở Hàn Quốc, đây sẽ không phải là một trong những đường tốt nhất, mà là tệ nhất.
Cổng chào ở điểm đầu đường Thống Nhất nối Bình Nhưỡng với khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: AP. |
Liệu việc sửa sang con đường có thể mở ra lối đi đến tiến trình phi hạt nhân hóa?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới Bình Nhưỡng ngày hôm nay, 18/9 để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông sẽ có hai nhiệm vụ chính: giữ cho cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng với Washington về phi hạt nhân hóa không đổ vỡ để những nỗ lực của chính ông trong việc hàn gắn quan hệ có thể tiếp tục; và tăng tốc một loạt các dự án hợp tác liên Triều để giữ sự bất hòa với Triều Tiên ở mức thấp và tránh được những chỉ trích trong nước.
Mong muốn của cả hai miền
Với mỗi hội nghị thượng đỉnh, nguy cơ lại trở nên cao hơn. Vẫn chưa rõ ông Kim dự định làm gì với kho vũ khí hạt nhân, sau khi ông "ra mắt" thành công trên sân khấu thế giới và vui vẻ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Triều Tiên. Và chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đang chịu sức ép ngày càng lớn trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, vốn đang dậm chân tại chỗ.
Canh bạc của ông Moon từ đầu đã luôn được đặt vào việc tăng cường sự tiếp xúc giữa hai miền Triều Tiên trong các dự án chung nhằm cải thiện hệ thống đường bộ, đường sắt và lưới điện cũ kỹ của Triều Tiên, để đổi lại các "mặt hàng giá trị cao" - phi hạt nhân hóa và hiệp ước hòa bình chính thức cho Chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến kết thúc vào năm 1953 bằng một lệnh ngừng bắn tạm thời.
Cách tiếp cận của ông Moon dựa trên niềm tin rằng nếu quan hệ liên Triều tốt hơn, căng thẳng sẽ tự động giảm đi, và các dự án chung nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của Triều Tiên là sự đầu tư vào tương lai của bán đảo, có thể mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai bên trong dài hạn.
Điều này thể hiện qua phái đoàn các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đi cùng ông Moon đến Bình Nhưỡng trong chuyến đi từ ngày 18-20/9. Họ bao gồm Phó chủ tịch Samsung Lee Jae Yong, Chủ tịch SK Chey Tae Won, Chủ tịch LG Koo Kwang Mo, Chủ tịch Hyundai Hyun Jeong Eun...
Ông Kim để ý đến tất cả những chuyện đó.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên bước qua đường giới tuyến quân sự ở làng Bàn Môn Điếm trong cuộc gặp hồi tháng 4/2018. Ảnh: AP. |
Trong năm nay, ông Kim đã thúc đẩy quan hệ tốt hơn với các nước láng giềng của Triều Tiên, dẫn đến một loạt hội nghị thượng đỉnh với ông Moon, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc gặp với ông Trump hồi tháng 6. Tất cả dựa trên tuyên bố của ông rằng Triều Tiên đã chế tạo đủ tên lửa tầm xa cũng như vũ khí hạt nhân, và có thể chuyển đổi trọng tâm chính sang việc cải thiện kinh tế đất nước.
Việc cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước là một phần quan trọng trong đó.
Kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của cha mình cuối năm 2011, ông Kim đã để Triều Tiên đi theo kinh tế thị trường một cách đáng kể. Vai trò của chính quyền trung ương trong việc hoạch định kế hoạch và chính sách kinh tế vẫn là điều cốt lõi. Song vai trò của thị trường và hoạt động kinh doanh tư bản cũng đã trở thành một thực tế trong đời sống hàng ngày và là nguồn thu nhập quan trọng cho chế độ.
Một hệ thống đường bộ, đường sắt tốt hơn, cũng như khả năng vận chuyển hàng hóa và con người nhanh chóng và đáng tin cậy, sẽ giúp các hoạt động kinh tế phát triển.
Một cách đáng ngạc nhiên, ông Kim đã cởi mở chia sẻ về sự đáng buồn của hệ thống giao thông quốc gia. Tại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Moon, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bày tỏ "sự xấu hổ" về "hạ tầng giao thông yếu kém". Cùng tháng đó, ông bày tỏ "lòng tiếc thương vô hạn" sau cái chết của hàng chục khách du lịch Trung Quốc trong một vụ xe khách lao xuống cầu ở thành phố Kaesong, gần biên giới Hàn Quốc.
Mỹ là trở ngại
Đề xuất cải thiện cơ sở hạ tầng của Triều Tiên đã có từ lâu. Chúng là một phần quan trọng trong chính sách "Ánh Dương" của Hàn Quốc vào cuối những năm 1990 đến năm 2009, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân khiến mối quan hệ đi xuống nhanh chóng. Năm sau, Seoul tuyên bố chính sách thất bại nhưng ông Moon đã không lãng phí thời gian để hồi sinh chúng.
Trong cuộc gặp đầu tiên của họ, ông Moon đã đưa ra kế hoạch phát triển Triều Tiên của mình trong một USB.
Sau tất cả, Hàn Quốc muốn nhìn thấy một chuyến tàu cao tốc nối thủ đô Seoul với Bình Nhưỡng và xa hơn về phía bắc đến Sinuiju, một trung tâm thương mại quan trọng trên biên giới Triều Tiên với Trung Quốc. Kinh phí xây dựng được cho là 35 tỷ USD. Khi hội nghị kết thúc, cả hai bên đã đồng ý làm việc cùng nhau để cải thiện các tuyến đường bộ và đường sắt trong cái gọi là hành lang giao thông phía đông, và từ Bình Nhưỡng đến Sinuiju.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc họp nội các hôm 17/9 trước thềm chuyến thăm 3 ngày tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP. |
Hiện vẫn chưa rõ những kế hoạch này sẽ đi xa đến đây. Những kế hoạch tương tự đã được đưa ra trong nhiều năm qua, nếu không nói là hàng thập kỷ. Việc kết nối các hệ thống đường sắt cũng nằm trong chương trình nghị sự của một hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000.
Tầm nhìn của ông Moon còn vượt ra khỏi bán đảo Triều Tiên.
Tại một sự kiện vào tháng trước, ông cho biết ông muốn nhìn thấy việc thiết lập các tuyến đường bộ và đường sắt với Triều Tiên để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực với Trung Quốc, vùng Viễn Đông Nga và thậm chí cả Mông Cổ. Ông nói ông muốn việc này được tiến hành trước khi năm nay kết thúc.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất có lẽ là Mỹ.
Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ dẫn dắt, giám sát hoạt động xung quanh khu phi quân sự liên Triều, đã ngăn cản kế hoạch để Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành nghiên cứu thực địa về các tuyến đường sắt phía bắc hồi tháng trước. Kế hoạch là mở một tuyến tàu chạy trên đường sắt nối Seoul với Sinuiju.
UNC được cho đã từ chối phê duyệt kế hoạch vì Seoul không cung cấp đủ chi tiết.
Các quan chức ở Washington cũng bày tỏ lo ngại rằng Seoul có thể hành động quá vội vàng và làm suy yếu sự ủng hộ đối với các biện pháp trừng phạt thương mại mà Mỹ coi là một trong những cách tốt nhất để duy trì áp lực đối với Bình Nhưỡng. Chính quyền Trump nói rằng chính phủ sẽ duy trì chính sách "gây áp lực tối đa" và các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên chứng minh được rằng họ thực sự nghiêm túc trong việc phi hạt nhân hóa.