Theo CNN, các nhà làm phim Hollywood phải suy nghĩ lại về phương pháp cứu lấy thế giới của họ. Một nghiên cứu khoa học cho thấy việc thổi bay các tiểu hành tinh trong quỹ đạo va chạm với Trái Đất khó khăn hơn nhiều so với trước đây chúng ta từng nghĩ.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Johns Hopkins và Đại học Maryland (Mỹ), các tiểu hành tinh có kết cấu vững chắc đáng kể, cần một lực rất lớn để tiêu diệt chúng so với những tính toán trước đây.
Kết luận này được rút ra sau khi mô phỏng sự va chạm của hai tiểu hành tinh: Một là mục tiêu với đường kính 25 km và một tiểu hành tinh nhỏ đường kính lớn hơn 1 km đang bay tới mục tiêu với vận tốc khoảng 4.800 km/h.
Bảo vệ Trái đất trước sự va chạm với các tiểu hành tinh không đơn giản như những gì xảy ra trên phim. Ảnh: CNN. |
Mô phỏng cho thấy thay vì tiểu hành tinh nhỏ phá vỡ cái lớn hơn như các bộ phim dự đoán, tiểu hành tinh lớn vẫn không hề hấn.
"Chúng tôi từng tin rằng vật thể càng lớn thì càng dễ vỡ, bởi nó có thể có các sai hỏng trong cấu trúc tổ hợp”, Charles El Mir, tác giả nghiên cứu thuộc Trường Kỹ thuật Whites, Johns Hopkins cho biết, "Tuy nhiên, những phát hiện mới cho thấy các tiểu hành tinh chắc hơn chúng ta từng nghĩ, cần nhiều năng lượng hơn để phá vỡ".
Phát hiện này khiến người ta nghi ngờ về các phương pháp phá hủy tiểu hành tinh của Hollywood trong những bộ phim như "Armageddon", "Deep Impact". Các tác giả nghiên cứu cũng cho biết phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự an toàn của Trái Đất.
"Nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng nhưng có rất nhiều nghiên cứu xem xét va chạm giữa tiểu hành tinh và địa cầu", El Mir nói, "Ví dụ, nếu có một tiểu hành tinh đến Trái đất, tốt hơn hết chúng ta nên phá vỡ nó thành những mảnh nhỏ, hoặc đẩy đi theo một hướng khác. Muốn làm thế, cần dùng bao nhiêu lực để di chuyển mà không phá vỡ nó nhằm tránh các mảnh vụn bay vào bầu khí quyển?".
Nghiên cứu cho thấy tiểu hành tinh lớn không dễ bị phá vỡ trước va chạm với hành tinh nhỏ. Ảnh: Storiesflow. |
Nghiên cứu cho thấy các mô phỏng trước đây không tính đến tốc độ phá hủy kết cấu chậm trong các tiểu hành tinh. Hàng triệu vết nứt lan rộng trong khi phần va chạm trực tiếp bị sức nóng đốt "chảy như cát" và sinh ra một miệng hố.
Tuy nhiên, khi tác động của trọng lực lên các mảnh phân tán trên bề mặt của tiểu hành tinh ổn định lại sau nhiều giờ, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng "phản ứng hấp dẫn" đã diễn ra. Nghĩa là, lực hấp dẫn của phần lõi tiểu hành tinh đã kéo các mảnh vỡ lại với nhau.
Phát hiện này cũng đặt ra câu hỏi cho các nhà khoa học đang tìm cách đối phó những tiểu hành tinh hướng về Trái Đất. "Chúng ta bị tác động khá thường xuyên bởi các tiểu hành tinh nhỏ", K.T. Ramesh, Giám đốc Viện Vật liệu cực hạn Hopkins cho biết.
"Chỉ là vấn đề thời gian trước khi những câu hỏi này chuyển từ lý thuyết sang thực tế phản ứng của chúng ta trước một mối đe dọa lớn", ông nói thêm. "Chúng ta cần hoạch định những gì nên làm khi thời điểm đó xảy ra. Các nỗ lực khoa học như thế này là rất quan trọng để đưa ra quyết định hành động như thế nào".
Nghiên cứu va chạm giữa các hành tinh giúp Trái Đất tránh khỏi những sự kiện như Tunguska. Ảnh: All That's Interesting. |
Để minh họa cho mối nguy hiểm tiềm tàng, Ramesh đã đưa ra ví dụ về thiên thạch phát nổ trên thành phố Chelyabinsk, Nga vào năm 2013.
Albert Zijlstra, Giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Manchester cho rằng các nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ mang đến hiểu biết mới về thành phần cấu tạo của các tiểu hành tinh.
"Nó có thể giải thích tại sao một số tiểu hành tinh trông như đống đổ nát bị phân mảnh do va chạm," ông nói, "Nghiên cứu phát hiện ra rằng các tiểu hành tinh có tỷ lệ sống sót sau những vụ va chạm khá đáng kể, giữ phần lớn khối lượng của chúng nhưng rất dễ vỡ".
Nghiên cứu còn cho cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của Hệ Mặt Trời. "Vào thời điểm các hành tinh bắt đầu phát triển, chúng như những hạt bụi và trở nên lớn dần thành đá cuội, đá, núi và cuối cùng là các hành tinh nguyên sinh", Zijlstra nói, "Có rất nhiều vụ va chạm giữa các hành tinh sơ khai. Nghiên cứu này có thể giúp hiểu làm thế nào chúng sống sót sau những vụ va chạm này".