TS Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty sách Thái Hà - tới Nhật Bản theo lời mời từ phía đối tác nước bạn. Ông tới Nhật với mục đích tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu kỹ hơn về ngành xuất bản và văn hóa đọc của đất nước mặt trời mọc, cũng như tham gia một số chương trình giao lưu, chia sẻ về sách và lan tỏa tinh thần “Đọc sách cùng nhau - Reading Books Together”. Ông tường thuật lại những điều "mắt thấy tai nghe" về ngành sách Nhật trong chuyến đi.
Xuất bản Nhật: Doanh thu cao nhưng đang đi xuống vì mạng xã hội phổ biến, dân số già
Phía Nhật Bản, ông Higuchi - Giám đốc điều hành - và ông Yoshino - phụ trách quan hệ quốc tế - của Hiệp hội Xuất bản Nhật tiếp đón TS Nguyễn Mạnh Hùng. Buổi làm việc cung cấp nhiều thông tin về ngành công nghiệp xuất bản.
TS Nguyễn Mạnh Hùng (phải) làm việc cùng đại diện Hội Xuất bản Nhật. |
Hiện nay Nhật Bản có khoảng 3.000 đến 3.500 nhà xuất bản, tuy nhiên chỉ có 413 nhà xuất bản là thành viên của Hội Xuất bản mà thôi.
Đỉnh cao của xuất bản sách Nhật năm 1977 là 1,6 tỷ bản sách. Lãnh đạo Hội xuất bản Nhật đang trăn trở vì xuất bản của 2 năm 2018 và 2019 cũng đang đi xuống. Hội xuất bản và các nhà xuất bản Nhật đang tìm mọi cách để văn hóa đọc đi lên.
Doanh thu ngành xuất bản Nhật năm 2018 là khoảng 9 tỷ euro. Số lượng đầu sách mới của năm 2018 là 71.661 (tức 200 tên sách mới mỗi ngày). Số lượng bản sách 2018 là 942,22 triệu bản. Hàng năm, Nhật có gần một triệu đầu sách được in.
Ebook của Nhật cũng đáng để suy ngẫm. Tổng doanh thu năm 2018 là 2.069 triệu Euro trong đó ecomic là 1.638 triệu euro, ebook là 268 triệu euro và emagazin là 163 triệu euro. Doanh thu sách điện tử với con số hơn 2 tỷ euro là đáng kể so với tổng thể của cả ngành xuất bản Nhật.
Trong số 10 cuốn sách bán chạy nhất của Nhật có 5 cuốn sách văn học, 2 cuốn tôn giáo và 3 cuốn về sách cuộc sống.
Về thời gian dành cho đọc sách mỗi ngày, theo khảo sát, nam giới dành 42 phút trong đó nữ giới là 39 phút. Thời gian dành cho đọc báo của nam giới là 28 và nữ giới là 23 phút, xem tivi là 162 phút và 200 phút, truy cập Internet là 87 phút và 81 phút.
Khảo sát cũng đưa ra tỷ lệ đọc theo độ tuổi. Điểm thú vị là lứa tuổi trên 70 đọc nhiều nhất: Trên 56 phút mỗi ngày.
Khảo sát cũng đưa ra số tiền người Nhật mua sách hàng tháng. Theo nghiên cứu, 65% người tham gia khảo sát chi ra từ gần 1.000 đến 2.000 yên, 2% chi ra trên 5.000 yên mỗi tháng cho viêc mua sách. Trong đó gần 20% không mua sách. (1.000 yên tương đương khoảng 200.000 đồng).
TS Nguyễn Mạnh Hùng cùng lá cờ Reading books together tại Nhật. |
Trong buổi gặp gỡ, TS Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện Hội xuất bản Nhật bàn nhau về văn hóa đọc, khuyến đọc, đưa ra các phương án hợp tác. TS Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Các bạn Nhật rất muốn hợp tác với Hội xuất bản và các đơn vị xuất bản Việt Nam. Các bạn rất muốn hợp tác 2 bên có bước ngoặt".
Phía Nhật Bản cho biết vài năm gần đây, ngành xuất bản nước này đang đi xuống. Theo lãnh đạo Hội xuất bản Nhật, nguyên nhân chủ yếu do việc phổ cập rộng rãi của Internet, điện thoại thông minh, các mạng xã hội và trò chơi điện tử. Thứ 2 là do dân số Nhật già đi, người trẻ càng ngày càng ít hơn. Hơn thế nữa kinh tế Nhật cũng đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Việc bán sách sụt giảm cũng còn bởi sinh viên mua ít hơn và họ thường đọc tại các thư viện hay mượn sách thay vì mua sách... Tuy vậy nhưng số lượng sách mà các thư viện mua cũng không tăng bởi ngân sách cấp cho các thư viện mua sách từ cả trung ương và địa phương cũng không tăng.
Ở Nhật có 3.200 thư viện công cộng và hoạt động khá tốt. Hiện nay các bạn Nhật đang tích cực đưa ra nhiều loại hình sinh hoạt khác nhau, tổ chức nhiều sự kiện để cuốn hút bạn đọc.
Nhật ấn tượng với các chương trình khuyến đọc ở Việt Nam, muốn hợp tác xuất bản
Các bạn Nhật rất thích thú với các chương trình khuyến đọc ở Việt Nam như các câu lạc bộ yêu sách, Không gian đọc, Sách và hành động, Điểm đọc, Sách hóa nông thôn... Khi tôi giới thiệu và quảng bá về chương trình “Đọc sách cùng nhau - Reading books together” đang triển khai tại Việt Nam nhiều năm nay, các bạn rất mong được thực hiện ở Nhật. Quả thật là khi bố mẹ cùng đọc sách với con cái, lãnh đạo cùng đọc sách với nhân viên, thầy cô cùng đọc sách với sinh viên, học sinh… thì văn hóa đọc nhất định đi lên.
Các bạn Nhật rất ấn tượng khi ngành xuất bản Việt Nam đang phát triển, đang đi lên. Một tín hiệu tốt và đáng mừng mà các bạn rất vui. Hợp tác giữa hai nước quả là cần thiết và càng nên làm lúc này.
Các đơn vị xuất bản hai nước cùng thực hiện nhiều trao đổi tại Hội sách Bản quyền Việt Nam - Nhật Bản năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Xuất bản Nhật Bản đã tổ chức 2 mini book fair để giới thiệu các nhà xuất bản Nhật với các đơn vị xuất bản Việt Nam tại cả TP.HCM và Hà Nội. Kết quả được phía Nhật đánh giá là tốt và có triển vọng. Vì nhiều lý do khác nhau, hội sách mini về bản quyền này đã không được diễn ra tại Việt Nam trong năm 2019.
Tuy nhiên phía Nhật rất muốn hội sách sẽ diễn ra thường xuyên. Cụ thể là cuối tháng 6/2020 có thể tổ chức tại Việt Nam, địa điểm tại TP.HCM hay Hà Nội là do Hội Xuất bản Việt Nam quyết định. Theo lãnh đạo phía Nhật, đó là thời điểm thích hợp nhất bởi trong tháng 5 sẽ diễn ra đại hội hội xuất bản và Nhật Bản sẽ bầu ra chủ tịch mới của hội. Hơn thế nữa, theo ông Higuchi, nếu phía Việt Nam nhất trí thì 6 tháng là quãng thời gian hợp lý cho công tác chuẩn bị.
Anh Yoshino giới thiệu về văn phòng mà Hội xuất bản Nhật mới chuyển về đây. Tòa nhà Publishers Club Building lớn, có nhiều phòng hội thảo, hội nghị và các không gian phục vụ ngành xuất bản.
Ông Yoshi giới thiệu thư viện của Hội xuất bản Nhật. Thư viện lớn và nhiều sách. Sách xếp cao ngút từ đất lên nóc phòng, ở đó có nhiều sách hay, sách quý.
Ông Yoshino giới thiệu sâu hơn với tôi về giải thưởng sách đẹp lần thứ 53 vừa diễn ra và tặng TS Nguyễn Mạnh Hùng một cuốn Japan Book Design Awards 2019. "Tôi học được rất nhiều riêng từ những tác phẩm được giải lần này. Thật sự hấp dẫn. Tôi đang nghiên cứu và về chia sẻ với lãnh đạo Hội xuất bản Việt Nam trong phiên họp gần nhất".
Khi được hỏi về giải thưởng “Cuốn sách của năm - Book of the year” hay giải thưởng sách hay, Hội xuất bản Nhật Bản cho biết họ không tổ chức chấm và trao giải này. Giải “Cuốn sách của năm” do mỗi nhà xuất bản tự tổ chức. Lý do rằng Nhật có đến hơn 3.000 nhà xuất bản mà riêng Hội có đến 413 thành viên nên việc chọn ra cuốn sách của năm thật sự khó.
Ấn tượng với việc Nhật muốn hợp tác với Việt Nam trong xuất bản, TS Nguyễn Mạnh Hùng gửi báo cáo tới lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam. TS Hùng nói: "Tôi thấy một tương lai rất sáng. Ít nhất là có thể thúc đẩy ngay những hợp tác ban đầu, có những bước đi đầu tiên với xuất bản Nhật. Họ đã đi trước chúng ta khá xa"
"Tôi mơ về sự phát triển của hàng trăm đơn vị xuất bản Việt Nam trong ngành công nghiệp tri thức đặc biệt này. Và tôi tin rằng đây không chỉ là ước mơ. Và không chỉ của mình tôi".