Những điều này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mô tả trong cuốn hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ, do nhà văn Hữu Mai thể hiện. Cuốn sách này nằm trong bộ Võ Nguyên Giáp - tổng tập hồi ký, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2006.
Sách Đường tới Điện Biên Phủ kết lại bằng lễ mừng chiến thắng của liên quân Việt Lào sau chiến dịch Thượng Lào cuối năm 1953, với những thắng lợi được Đại tướng đúc kết: “Chúng ta đã khoét sâu vào nhược điểm của địch, mở rộng quyền chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ ra cả miền Bắc Đông Dương. Suốt thời gian chiến dịch, bộ chỉ huy Pháp đã không có một hoạt động đối phó hữu hiệu”.
Cụ thể, kết quả của các chiến dịch mà quân và dân ta suốt trong năm 1953 đã dẫn đến kết quả: “Ở hầu khắp mọi nơi, khi phát hiện bóng dáng chủ lực ta, quân địch đều rút chạy co cụm lại thành tập đoàn cứ điểm”. Và Đại tướng cũng như bộ chỉ huy của ta dự đoán: “Phải chăng đây là trở ngại cuối cùng trên đường đi đến chiến thắng?”, với thực tế là vào đầu năm sau, bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương cho thành lập tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ để đối đầu với quân đội ta và thất bại, dẫn đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm gian khổ.
Cuốn sách tổng kết: Trên chiến trường Bắc Đông Đương, vào Xuân Hè năm 1953, Tướng Raoul Salan (Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương) có 37 tiểu đoàn cơ động chiến lược, buộc phải phân tán thành ba nơi: Tây Bắc, 8 tiểu đoàn; Thượng Lào, gồm cả Cánh Đồng Chum và Luong Prabang, 12 tiểu đoàn; ở đồng bằng Bắc Bộ chỉ còn lại 17 tiểu đoàn. Tất cả đều nằm im chờ đợi cuộc tiến công của chủ lực ta. Những mưu toan giành lại quyền chủ động của de Lattre de Tassigny (tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương tiền nhiệm), với Salan đã trở nên bế tắc. Người Pháp bắt đầu chê trách Salan cứ tái diễn mãi trò “con nhím”! Bị thất bại trong ba chiến dịch liên tiếp: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, Chính phủ Pháp buộc phải tính tới chuyện thay thế Salan. Thượng tuần tháng 5 năm 1953, chúng ta được tin Salan sẽ bị triệu hồi và thay thế bằng tướng bốn sao Henri Navarre (đây chính là đối thủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến cuộc Xuân Hè năm 1954, Navarre cũng là người lĩnh trách nhiệm về thất bại của quân đội Pháp tại Đông Dương).
Tuy nhiên, trước khi có chiến thắng Điện Biên Phủ, quân đội ta cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, như trận đánh Nà Sản (Sơn La) vào tháng 12/1953. Đại tướng đúc kết về chiến dịch này: “Ta chủ trương đánh Nà Sản do căn cứ báo cáo và tình huống giữa địch và ta lúc đó. Sau cuộc tiến công không thành công, địch lại tăng viện cho Nà Sản, nếu đánh nữa thì không chắc thắng trong khi đó vùng giải phóng của ta rất rộng mà chưa được củng cố, chủ trương đình chỉ cuộc tiến công Nà Sản là chính xác để tích cực củng cố và phát triển những thắng lợi vừa qua”.
Mở đầu cuốn sách, sau khi tổng kết sơ bộ tình hình chiến sự giữa quân đội ta với thực dân Pháp từ sau ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945) đến cuối năm 1949, Đại tướng đưa độc giả đến với diễn biến chiến trường năm 1950. Bước qua chương 2 Điểm đột phá, sách dẫn dắt độc giả đến với chiến dịch Biên Giới, chiến thắng đường 4 với các trận đánh Đông Khê, Thất Khê, chiến dịch mở cánh cửa thông sang biên giới với Trung Quốc, dẫn đến kết quả: “Một vùng rộng lớn ở Đông Bắc không còn quân giặc. Bên kia biên giới là cả một hậu phương vô cùng rộng lớn, chạy dài từ Á sang Âu”.
Các chương tiếp theo lần lượt là các diễn biến lịch sử, từ Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ II (tháng 2/1951), đến Chiến dịch Trung du (mật danh là chiến dịch Trần Hưng Đạo), cho đến một sự kiện quan trọng: Tướng de Lattre de Tassigny sang nắm quyền chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.
Nhận xét về trận bao vây quân Pháp ở Vĩnh Yên, Tam Đảo đầu năm 1951 trong chiến dịch Trung du, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “Các chiến sĩ ta đã đánh tơi tả binh đoàn cơ động số 3 ở Liễn Sơn, Xuân Trạch, ở Thanh Vân, Đạo Tú, bẻ gãy những mũi tiến công của binh đoàn cơ động số 1 có máy bay yểm trợ trên đường Phúc Yên - Vĩnh Yên và đẩy quân địch vào thế phải chống trả suốt cả một ngày, nhưng họ không thể đối phó được với bom napan và những loạt đạn pháo rơi trúng đội hình trong những đợt xung phong. Chúng ta chưa có khả năng khắc phục những nhược điểm này”.
Tiếp theo đó, Đại tướng điểm lại những diễn biến chính của các chiến dịch Hoàng Hoa Thám (Quảng Ninh), chiến dịch Đồng Bằng mang tên Quang Trung (tại các tỉnh vùng địch hậu Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), cho đến đợt chỉnh huấn chính trị mùa hè năm 1951 “đánh dấu một mốc biến chuyển về nhận thức, tư tưởng của bộ đội”. Sau đợt chỉnh huấn là những kết quả khả quan trong các chiến dịch Lý Thường Kiệt (đánh Nghĩa Lộ, Yên Bái), rồi chiến dịch Hòa Bình, với chiến thắng Tu Vũ, khiến quân Pháp phải rút khỏi Hòa Bình.
“Cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân ta với de Lattre bắt đầu từ chiến dịch Trung Du đã kết thúc với chiến dịch Hòa Bình”, đại tướng đúc kết và bổ sung: “Khi đó ta chưa biết trận Hòa Bình là cuộc tập dượt lớn của bộ đội ta chuẩn bị cho trận Điện Biên Phủ sau này”.
Chương 11 của cuốn sách mang tựa đề Chuyển hướng lên Tây Bắc, với hành trình đưa các đoàn quân vượt sông Đà lên đánh giặc ở Yên Châu, Mộc Châu, Sơn La, để kết thúc bằng trận đánh lớn tại Nà Sản. Chương 12 mang tựa đề Mùa xuân Sầm Nưa theo bước chân chiến sĩ các đại đoàn 304, 308, 312 đuổi giặc ở vùng Thượng Lào, giúp nước bạn mở vùng giải phóng. Đồng thời, sách điểm qua diễn biến các chiến trường Đồng Bằng Bắc bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, so sánh thế và lực của quân ta và quân Pháp trước trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ.
Cuối cuốn sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết là đến tận cuối năm 1953, chúng ta vẫn chưa biết cơ quan tham mưu Pháp đã tính toán về khả năng mang vác của dân công ta và đi tới kết luận: “quân đoàn tác chiến Việt Minh” không thể hoạt động dài ngày tại một vùng thiếu lương thực ở cách xa khu căn cứ quá 18 kilômét! Phòng nhì Pháp đã tìm ra đáp số khá chính xác.
“Trớ trêu thay sự tính toán này đã góp phần dẫn tới thảm họa của quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ sau này”, Đại tướng khẳng định, nhấn mạnh tới kỳ công của lực lượng dân công nước ta, những người góp phần to lớn vào chiến thắng chung của cả nước tại Điện Biên Phủ vào năm sau.
Sách Đường tới Điện Biên kết lại bằng câu viết: “Đến mùa xuân này nhân dân và quân đội ta đã vượt tiếp một thời kì mới đầy thử thách, gian lao nhưng rất vinh quang, mở ra con đường đi tới điểm hẹn lịch sử: Điện Biên Phủ nửa năm sau đó, trong Đông Xuân 1953-1954”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng
'Tôi dịch cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cả trái tim mình'
Sau 12 năm gắn bó với Việt Nam, anh Saleem Hammad đã dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập bằng cả trái tim mình.
Món quà của Tướng Giáp mà cụ ông xem là báu vật
"Năm 2013, bố tôi mất. Lúc lâm chung, tâm nguyện cuối cùng của cụ là được ngắm, đặt tay lên chiếc đài - món quà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp", ông Lò Văn Biên nhớ lại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết gì về đối phương?
Nhân cách của vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam còn biểu hiện ở lòng nhân đạo bao dung đối với kẻ thù khi họ thất trận.