Những nỗ lực ấy cũng là động lực để các vận động viên (VĐV) của đội tuyển Quân đội Nhân dân Việt Nam và các quốc gia có đội tuyển tham gia hướng tới một kỳ hội thao bảo đảm an toàn về mọi mặt và chia sẻ nhận thức chung rằng: Tất cả đều là người chiến thắng.
Sẵn sàng cho ngày so tài
Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam đăng cai hai nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” và “Vùng tai nạn” trong khuôn khổ một kỳ Army Games. Cũng vì thế mà yêu cầu đặt ra với nước chủ nhà là phải khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tổ chức một kỳ hội thao chu đáo, an toàn, để lại ấn tượng sâu sắc với các đoàn quốc tế.
Đầu giờ chiều 30/8, tức là cách lễ khai mạc chưa đầy 24 giờ, trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng, Trưởng ban chỉ đạo hội thao Bộ Quốc phòng cùng các thành viên ban tổ chức có mặt tại trung tâm văn hóa Army Games 2021 tại Việt Nam để kiểm tra việc hoàn thành những khâu chuẩn bị cuối cùng cho ngày khai mạc.
Chia sẻ với các phóng viên, trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Việt Nam đã phối hợp với các chuyên gia, cố vấn của Nga xây dựng quy chế chuẩn cho hai nội dung thi đấu “Xạ thủ bắn tỉa” và “Vùng tai nạn”.
Từ quy chế này, việc tổ chức về các mặt, phù hợp với yêu cầu của một kỳ hội thao quân sự quốc tế từng bước được tiến hành. Cho đến chiều 30/8, mọi công tác chuẩn bị từ thao trường, bãi tập, nơi ăn chốn ở cho đến công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, lễ tân, khánh tiết... đã hoàn thiện.
Các vận động viên (VĐV) thuộc các đội tuyển đến từ 7 quốc gia gồm: Nga, Lào, Belarus, Mali, Uzbekistan, Bangladesh, Venezuela và nước chủ nhà Việt Nam cũng đã có mặt đầy đủ ở Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 (Miếu Môn, Hà Nội).
Cùng với đó, ở toàn bộ khu vực thao trường, các lực lượng bảo đảm, phục vụ thi đấu đã kiểm tra đáp ứng yêu cầu sức khỏe 100%. Lễ bốc thăm cho cả hai nội dung thi đấu cũng đã diễn ra suôn sẻ.
Bên cạnh đó, trước giờ khai mạc, ban tổ chức một lần nữa quán triệt, yêu cầu thành viên ban giám khảo, trọng tài nghiên cứu kỹ quy chế, thể lệ cuộc thi và điều hành cuộc thi bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng.
Cờ Army Games được vận động viên của Nga kéo lên trong lễ thượng cờ sáng 30/8. Ảnh: QĐND. |
Có mặt tại cuộc tổng duyệt lần cuối trước lễ khai mạc, nhóm phóng viên được chứng kiến thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dành nhiều thời gian chỉ đạo công tác chuẩn bị cho Army Games lần này tại Việt Nam.
Ngoài những vấn đề cơ bản như thao trường, nơi ăn nghỉ cho các VĐV và lực lượng tham gia, thượng tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu việc trang trí, khánh tiết cũng như chương trình, kịch bản của lễ khai mạc và bế mạc bảo đảm ngắn gọn nhưng trang trọng, thể hiện được bản sắc văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động bên lề phải bảo đảm đúng các quy định về PCD; công tác lễ tân, phục vụ phải thể hiện sự hiếu khách, tận tụy, chu đáo, chân thành nhằm để lại ấn tượng tốt đẹp với các đoàn VĐV nước ngoài đến thi đấu tại Việt Nam.
Đánh giá về công tác chuẩn bị cho hai nội dung “Xạ thủ bắn tỉa” và “Vùng tai nạn” ở Việt Nam, VĐV bắn tỉa Khoshimjon Masobirov cho biết công tác chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của nước chủ nhà Việt Nam vượt xa so với sự trông đợi của các thành viên trong đội tuyển Uzbekistan.
Nhờ đó, các thành viên đội tuyển Uzbekistan đã có sự chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe, tinh thần và tự tin hướng tới thành tích cao tại hội thao lần này.
VĐV tham gia cuộc thi “Vùng tai nạn” của đội tuyển Nga Ryabukha Sergey thậm chí còn dùng cụm từ “trình độ cao” để nói về sự chuẩn bị của Ban tổ chức Army Games 2021 tại Việt Nam.
Anh cũng nhấn mạnh rằng điều đó giúp cả đội Nga sẵn sàng cả về sức khỏe và tinh thần để bước vào những ngày thi đấu căng thẳng, hứa hẹn nhiều bất ngờ.
Tinh thần chiến thắng dịch bệnh
Army Games 2021 tại Việt Nam diễn ra trong thời gian dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên việc triển khai các biện pháp PCD với quyết tâm bảo đảm an toàn cho tất cả lực lượng tham gia là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Được biết, ngay sau khi có mặt ở Việt Nam vào đầu tháng 8 này, 130 VĐV và lực lượng đi cùng của 7 đoàn nước ngoài đã được bố trí cách ly, ăn nghỉ tại Học viện Viettel, thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Tại đây, các VĐV được hướng dẫn, chăm sóc y tế đúng theo quy định PCD Covid-19.
Dù tất cả VĐV nước ngoài trước khi sang Việt Nam đã tiêm hai mũi vaccine và xét nghiệm PCR, việc hướng dẫn, tổ chức cho các VĐV xét nghiệm, thực hiện các biện pháp PCD Covid-19 vẫn được thực hiện nghiêm cả trong quá trình cách ly và tập luyện.
Theo trung tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Dũng, chỉ huy thực địa công tác PCD của Army Games 2021 tại Việt Nam, công tác phòng dịch cho các VĐV được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, tỉ mỉ, chi tiết; ngay trong quá trình chuẩn bị, mọi hoạt động luôn được theo dõi sát sao, không để sót, lọt chi tiết bất thường nào.
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp PCD theo quy định của Bộ Y tế, tại khu vực Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia 4, ban tổ chức đã bố trí thêm gần 10 trạm gác, có nhiệm vụ hướng dẫn, xử lý các tình huống liên quan đến vấn đề dịch tễ.
Ngay tại khu vực ăn nghỉ của các VĐV, mỗi phòng cũng đều có sổ tay hướng dẫn về PCD với 3 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga. Chặt chẽ, nghiêm túc và sát sao như vậy nên các lực lượng tham gia công tác tổ chức và các VĐV nước ngoài đã nói vui với nhau rằng, sau Army Games lần này, Việt Nam sẽ có thêm lực lượng “cảnh sát phòng dịch” dành cho các hội thao.
Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa phát biểu tại buổi lễ thượng cờ. Ảnh: Bộ Quốc phòng. |
Với riêng Trung tá Khamfong, Trưởng đoàn VĐV Lào, khi được đề nghị chia sẻ những đánh giá của mình về nỗ lực của nước chủ nhà Việt Nam, ông đã nói một cách chân thành rằng: Từ việc bố trí thao trường, vũ khí trang bị phục vụ thi đấu, nơi ăn nghỉ cho tới việc triển khai các biện pháp PCD đều cho thấy Việt Nam đủ khả năng và sự tin cậy để đăng cai các nội dung thi đấu trong các kỳ Army Games tiếp theo.
Army Games 2021 nói chung và hai nội dung được tổ chức tại Việt Nam trong khuôn khổ hội thao lần này nói riêng chắc chắn sẽ là cơ hội để quân đội các nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm công tác huấn luyện, thi đấu quốc tế và đặc biệt, qua đó còn thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác để chiến thắng dịch bệnh.