Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hội Tam Hoàng đánh người ở ga Hong Kong và 100 năm gieo rắc kinh hoàng

Cuộc tấn công của nhóm côn đồ cầm gậy đêm 21/7 ở ga tàu Yeun Long, Hong Kong làm dấy lên nỗi lo sợ bạo lực, giữa lúc thành phố trải qua những tuần căng thẳng, hỗn loạn chính trị.

Lam Cheuk-ting, nghị sĩ đối lập cho Hong Kong, đổ lỗi cho cả phía cảnh sát đã không thể bảo vệ người dân, và tội phạm có tổ chức mang tên hội Tam Hoàng mà một số nhân chứng cáo buộc đứng đằng sau cuộc tấn công.

“Cảnh sát và hội Tam Hoàng giờ đây đang cùng cai trị Yuen Long”, ông Lam nói. Ông bị đánh đêm hôm đó và phải khâu 18 mũi ở miệng. “Cảnh sát đã làm ngơ để hội Tam Hoàng lên kế hoạch, kéo dài cuộc tấn công và đánh người dân. Cảnh sát cho chúng đủ thời gian để rời hiện trường”.

South China Morning Post cho biết vào đêm 21/7, khi những người biểu tình Hong Kong, phần lớn mặc áo đen, trở về ga Yuen Long từ cuộc biểu tình phản đối chính quyền và dự luật dẫn độ, một nhóm xã hội đen mặc áo thun trắng, mang roi và đeo khẩu trang bịt kín mặt bất ngờ xông vào đám đông tại nhà ga ở Hong Kong. Người bị đánh bao gồm cả người biểu tình và những hành khách.

Cuộc tấn công đã khiến người Hong Kong vừa lo lắng, vừa tức giận. Đường phố Yuen Long vắng lặng buổi tối sau đó. Cửa hàng đóng cửa sớm, người dân ở nhà vì sợ bạo lực quay trở lại. Cảnh sát đã bắt giữ 11 người, và truyền thông địa phương đưa tin chúng có liên hệ với hai nhóm thuộc hội Tam Hoàng, 14K và Wo Shing Wo.

hoi tam hoang danh nguoi anh 1
Côn đồ áo trắng cầm gậy bên ngoài ga tàu ở Yuen Long đêm 21/7. Ảnh: New York Times.

Cả thế kỷ dính tới chính trị

Theo New York Times, hội Tam Hoàng có nguồn gốc lịch sử là các hội kín và đường dây làm ăn, tụ họp với nhau để bảo vệ địa bàn, trong nhiều trường hợp dính tới kinh doanh phi pháp. Trong triều nhà Thanh ở Trung Quốc, các nhóm này tham gia kháng chiến chống lại ách cai trị của người Mãn, và sau đó được Quốc dân đảng sử dụng khi lên nắm quyền năm 1911 sau sự sụp đổ của triều Thanh.

Quốc dân đảng dùng các băng đảng tội phạm để tấn công các kẻ thù chính trị trong thời kỳ lãnh đạo Trung Quốc. Đảng này dùng băng nhóm Xanh ở Thượng Hải để đàn áp những người ủng hộ công đoàn và tàn sát hàng nghìn người Cộng sản ở đây năm 1927.

Năm 1949, Quốc dân đảng trốn đến Đài Loan sau khi thất bại trong cuộc nội chiến Trung Quốc. Ở hòn đảo này, các băng đảng vẫn thỉnh thoảng nắm ảnh hưởng chính trị. Băng đảng Bamboo Union tham gia đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Đài Loan những năm 1980. Năm 1984, băng đảng này sát hại Henry Liu, phóng viên thường phê phán Quốc dân đảng ở Daly City, bang California, Mỹ.

Chang An-lo, cựu lãnh đạo nhóm Bamboo Union, đã ngồi tù 10 năm ở Mỹ vì tội buôn lậu ma túy, từng lãnh đạo một đảng thân Trung Quốc ở Đài Loan. Thành viên đảng này tấn công những người chỉ trích Bắc Kinh.

hoi tam hoang danh nguoi anh 2
Nhóm côn đồ áo trắng nhắm đến những người vừa đi biểu tình chống chính phủ mặc áo đen, theo các nhân chứng. Ảnh: Apple Daily/AP.

Vài chục nhóm với liên hệ chồng chéo

Một thế kỷ trước, Hong Kong có tới hàng trăm băng đảng trong hội Tam Hoàng. Số lượng nhiều như vậy là do các làn sóng nhập cư từ Trung Quốc đại lục. Ngày nay, có vài chục nhóm với những mối liên hệ chồng chéo.

Một số thành viên hội Tam Hoàng ở Hong Kong đã giúp một số người tham gia biểu tình Thiên An Môn năm 1989 trốn thoát khỏi Trung Quốc. Ngay trước khi Hong Kong được Anh trả lại cho Trung Quốc, đại lục lại bắt tay với các nhóm Tam Hoàng, để các nhóm này dừng hỗ trợ những người biểu tình chống Trung Quốc. Bắc Kinh không muốn có thêm bất ổn trong giai đoạn chuyển giao Hong Kong vốn đầy bất trắc.

“Hội viên Tam Hoàng không phải lúc nào cũng là xã hội đen”, Tao Siju, Bộ trưởng Công an Trung Quốc 1990-1998, phát biểu trong chuyến thăm Hong Kong năm 1992. “Chừng nào họ là những người yêu nước, quan tâm đến việc gìn giữ sự thịnh vượng của Hong Kong, chúng ta nên tôn trọng họ”.

Nhưng giáo sư Lo T. Wing từ Đại học Thành thị Hong Kong, người nghiên cứu về hội Tam Hoàng, cho rằng dù hội Tam Hoàng có tiếng là yêu nước, họ vẫn trung thành nhất với tiền.

“Chúng không làm việc theo lý tưởng chính trị”, ông nói với New York Times. “Mỗi hội viên Tam Hoàng có tư tưởng của cá nhân, nhưng cả hội chỉ làm việc vì tiền”.

hoi tam hoang danh nguoi anh 3
Một nhóm nam giới, bao gồm một số người được cho là có liên hệ với hội Tam Hoàng, tấn công khu người biểu tình ở quận Mong Kok, Kowloon, Hong Kong năm 2014. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát bị chỉ trích vì phản ứng chậm

Trong thập kỷ gần đây, người của các băng đảng thỉnh thoảng lại có những vụ tấn công ở Hong Kong với mục đích chính trị. Kevin Lau, cựu tổng biên tập Minh Báo, tờ báo lớn ở Hong Kong, bị đâm trọng thương vào năm 2014.

Trong phong trào biểu tình cuối năm đó, một nhóm nam giới, bao gồm một số người được cho là có liên hệ với hội Tam Hoàng, tấn công khu người biểu tình ở quận Mong Kok, Kowloon, Hong Kong.

Cuộc tấn công nhằm mục đích đe dọa, ngăn cản người tham gia biểu tình, theo giáo sư Lo.

Sau Thế chiến II, nạn tham nhũng tràn lan trong lực lượng cảnh sát Hong Kong, vốn cấu kết chặt chẽ với hội Tam Hoàng vào thời đó. Dư luận giận dữ khi phát hiện người đứng đầu lực lượng cảnh sát, Peter Fitzroy Godber, có hàng trăm nghìn USD trong các tài khoản ở hải ngoại vào năm 1973. Bê bối này mở đầu cho những cải cách sâu rộng và ngày nay, Hong Kong đứng vị trí cao trong các xếp hạng về chống tham nhũng.

Những nhóm thường phê phán cảnh sát ở Hong Kong đã cáo buộc cảnh sát cho phép côn đồ tấn công người dân đêm 21/7.

South China Morning Post cho biết gần 1h ngày 22/7, gần 100 cảnh sát được huy động đến làng Nam Pin Wai, nơi nhiều tay xã hội đen mặc áo trắng được phát hiện tập trung. Tuy nhiên, sau khi phong tỏa lối vào ngôi làng trong gần 3 tiếng, cảnh sát chỉ thẩm vấn qua loa vài nghi phạm. Không có đối tượng nào bị bắt giữ trong khi cơ quan điều tra lại tịch thu được nhiều gậy sắt. 

Nhân chứng còn phát hiện các cảnh sát tán gẫu một cách điềm tĩnh với những tên côn đồ mặc áo trắng, cầm thanh sắt.

Cảnh sát từ chối bình luận vào thời điểm đó. Đến cuộc họp báo sáng sớm 22/7, đại diện lực lượng này lại cho biết họ không nhìn thấy roi sắt như mô tả tại Yuen Long và không phát hiện đối tượng nào có hành vi phạm tội. Cảnh sát cho rằng họ chậm trễ phản ứng vì cuộc biểu tình ở Đảo Hong Kong cách Yuen Long 24 km về phía nam cần quá nhiều quân số.

Tuy nhiên, giáo sư Lo nói rằng việc cảnh sát căm ghét phong trào biểu tình đã đụng độ với họ nhiều tuần nay là nguyên nhân khả dĩ nhất cho phản ứng chậm chạp.

“Nếu tôi là cảnh sát, bị chỉ trích suốt hai tháng, gia đình thì bị dè bỉu, chưa kể các hình thức bạo lực khác, tinh thần của tôi sẽ thế nào”, ông nói New York Times.

“Nếu tôi nhận được tin báo rằng một số người biểu tình áo đen bị đánh, liệu tôi sẽ phản ứng một cách khẩn trương? Tất nhiên là không. Đó là điều hiển nhiên, nhưng tất nhiên, đây không thể trở thành điều bình thường”.

'Xã hội đen' đại náo nhà ga Hong Kong, phục kích từ chiều đến đêm

Nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ trong vụ nhóm người mặc áo trắng dùng gậy gộc tấn công hành khách đi tàu tại Hong Kong tối 21/7.

Xã hội đen mặc áo trắng tấn công nhóm biểu tình ở Hong Kong

Một nhóm xã hội đen mặc áo thun trắng, mang roi và đeo khẩu trang bịt kín mặt bất ngờ xông vào đám đông tại nhà ga ở Hong Kong, đánh đập cả người biểu tình và những hành khách.

Trọng Thuấn

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm