Trước trận đấu với Southampton tại Old Trafford, Solskjaer bông đùa trong phòng họp báo: “Sẽ thật lạ nếu tôi không dẫn dắt MU mùa sau”. Đây không phải lần đầu tiên, Ole ra dấu rõ ràng như vậy về tham vọng trở thành HLV trưởng MU.
Solskjaer xứng đáng hay không?
Solskjaer nói về chuyện bổ nhiệm này nhiều lần, vào nhiều thời điểm. Những cựu cầu thủ có tiếng nói như Rio Ferdinand, Gary Neville lẫn cả đối thủ (Juergen Klopp) đều tin Ole nên trở thành HLV trưởng “Quỷ đỏ” thay vì bất kỳ ai khác.
Không ít người tin rằng Ole Solskjaer chỉ có thể mang tới thành công tạm thời cho MU thay vì dài hạn. Ảnh: Getty Images. |
Những tin đồn về việc Ole được BLĐ ký hợp đồng cũng đã xuất hiện. Thậm chí một nhân chứng còn khẳng định rằng đã nhìn thấy Phó chủ tịch Ed Woodward ăn tối cùng Solskjaer, cả hai còn bắt tay vui vẻ.
Song ở chiều ngược lại, không ít người tin rằng Solskjaer chưa xứng đáng làm HLV dài hạn của MU. Cựu cầu thủ MU, Paul Ince nói rằng rất nhiều những HLV tạm quyền đã làm tốt nhưng bị áp lực hủy diệt khi trở thành HLV trưởng. Roberto Di Matteo của Chelsea hay Craig Shakespeare của Leicester City là những ví dụ tiêu biểu.
Jose Mourinho mới đây cũng đưa ra những nhận xét thiếu khả quan về Solskjaer: "Trong bóng đá, có sự thay đổi mang lại hiệu quả ngay lập tức. Bạn có thể lấy đội bóng cũ MU của tôi ra làm ví dụ. Tuy nhiên, tôi không tin sự thay đổi này sẽ thành công lâu dài, ngắn hạn có thể mang lại kết quả tích cực", Jose Mourinho nhận xét.
Vậy thì những người hâm mộ MU nên suy nghĩ như thế nào về Ole? Nên tin ông sau những kết quả tích cực gần đây, hay chấp nhận rằng thời gian tươi đẹp này sẽ kết thúc vào cuối mùa, và MU sẽ tìm kiếm một HLV đẳng cấp đủ để đưa “Quỷ đỏ” trở lại danh vọng như Mauricio Pochettino chẳng hạn?
Hào khí Sir Alex trở lại MU cùng Solskjaer như thế nào?
Trong cuốn tự truyện của mình, Sir Alex Ferguson từng dành hẳn một chương chỉ để nói về những “bài” tâm lý mà bản thân sử dụng với cả những đối thủ lẫn các cầu thủ. Ví dụ như ông từng liên tục nói với báo giới rằng “MU sẽ mạnh hơn trong nửa sau mùa giải” mà chẳng cần một bằng chứng gì.
“Đầu tiên, tôi luôn luôn nói rằng M.U sẽ đạt phong độ đỉnh cao vào nửa sau của mùa giải, và dần dần thì thông điệp ấy cũng ăn sâu vào đầu óc các đối thủ. Mùa đông năm 2009, Carlo Ancelotti đã nói rằng “Alex khẳng định M.U sẽ mạnh mẽ hơn trong giai đoạn hai, nhưng chúng tôi (Chelsea - PV) cũng thế.”
Ole Solskjaer học hỏi rất nhiều từ người thầy huyền thoại Sir Alex Ferguson. Ảnh: Getty Images. |
“Như vậy, cứ đến nửa cuối mùa bóng thì M.U sẽ trở nên rất đáng sợ, một dạng “quái vật” trong mắt các cầu thủ đối phương. Khi họ e sợ chúng tôi, họ sẽ không thể hiện được hết phong độ, thế là họ thua, và họ lại càng sợ.... cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại như thế”, Sir Alex viết.
Không khó để thấy Ole Solskjaer “học bài” của người thầy như thế nào. Nhà cầm quân người Na Uy ngay từ thời điểm ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng MU đã đưa ra tuyên bố có phần hoang tưởng rằng “MU có thể thắng mọi trận đấu” và “MU muốn vô địch mọi danh hiệu có thể”. Thế rồi, MU thắng thật như lời Ole nói, thậm chí vẫn bất bại tại Premier League tính đến hiện tại.
Khi MU thắng liên tục, những đối thủ, rất tự nhiên, bỗng mắc sai lầm trước “Quỷ đỏ”. Southampton đã đứng vững, chơi sòng phẳng với MU nhưng rồi bị Romelu Lukaku trừng phạt đúng vào phút cuối. Thậm chí Southampton còn biếu cho MU một quả phạt đền trong thời gian bù giờ.
Sức ép khủng khiếp trong những phút cuối đó là thứ đặc sản của MU dưới thời Sir Alex Ferguson. Trong cuốn tự truyện của mình, Carlo Ancelotti từng nhấn mạnh rằng MU của Sir Alex chỉ duy trì duy nhất một triết lý chơi bóng trong suốt gần 3 thập kỷ là duy trì nhịp độ. Bằng việc triển khai bóng với nhịp độ nhanh liên tục, đối thủ tự khắc sẽ sụp đổ khi không chịu được sức ép.
Solskjaer cũng mang điều đó trở về Old Trafford sau khi thay thế Jose Mourinho. Hàng phòng ngự được đẩy cao, Paul Pogba được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự, Marcus Rashford, Anthony Martial hay Jese Lingard được khuyến khích di chuyển.
Tất cả biến MU trở thành đội bóng chơi thứ bóng đá tốc độ với nhịp điệu đều đặn khác hẳn với hình ảnh nhàm chán của David Moyes, Louis Van Gaal hay Jose Mourinho.
Đó cũng là lý do mà rất nhiều nhân vật từng gắn bó với MU trong quá khứ lên truyền thông chia sẻ rằng họ “như được nhìn thấy MU của những ngày xưa cũ” dưới thời Ole. Những CĐV Quỷ đỏ thì khỏi phải bàn. Không ai không hài lòng với hình ảnh giàu sức sống lẫn giàu sức truyền cảm này của MU-Solskjaer.
Sau cùng thì Ole Solskjaer hoàn toàn xứng đáng với những kỳ vọng rất tích cực đó. Ông đã thay đổi MU theo hướng mà tất cả đều muốn. Ông đưa được những giá trị truyền thống, và nguyên bản nhất của MU trở lại Old Trafford.
Quan trọng nhất, Ole Solskjaer cho thấy rằng MU hoàn toàn có thể thành công với bản chất truyền thống của CLB, thay vì đi tìm những triết lý sâu xa của Van Gaal hay đầy hà khắc của Mourinho. Hào khí lừng lẫy của “Quỷ đỏ” dưới thời Sir Alex Ferguson đã được Ole Solskjaer khôi phục ở Old Trafford.
Đó là lý do Solskjaer xứng đáng làm HLV trưởng của MU, hơn bất kỳ ai.
MU kém 3 điểm so với vị trí thứ 3 Premier League. Đồ họa: Tiểu Long. |