Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hối lộ, chạy chọt... rất phổ biến

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 trình Ủy ban Tư pháp thẩm tra ngày 11/9 đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng.

Tại cuộc họp, Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, thừa ủy quyền của tổng thanh tra, trình bày báo cáo của Chính phủ, cho biết tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến.

Tham nhũng biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp.

“Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực” - ông Lượng nhấn mạnh.

Các loại chạy đều có

Báo cáo của Chính phủ nhận định: “Nạn sách nhiễu, tham nhũng vặt còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.

Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng”.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng.
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng.

Chính phủ dự báo “thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng.

Đáng chú ý là nguy cơ phát sinh tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn như: đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; vấn đề xử lý nợ xấu và hoạt động tín dụng của một số tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại; hoạt động hoàn thuế VAT...”.

Theo ông Lượng, tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội...

“Đặc biệt, tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các người tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”.

Cho rằng báo cáo năm nay của Chính phủ thẳng thắn, Phó viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong, nói: tình trạng lót tay, chạy chọt, kể cả chạy án..., đều có. Nhưng nhận định tham nhũng liên kết thành các nhóm lợi ích thì cần được chứng minh.

“Có những nhóm nào, ai là nhóm trưởng, nhóm phó?” - ông Phong đặt câu hỏi. Ông cho rằng đánh giá tình trạng tham nhũng ở Việt Nam phải lấy các kết quả xếp hạng của thế giới. Ví dụ ở ASEAN chúng ta chỉ xếp trên Campuchia và Lào.

Tham nhũng đã giảm?

Phân tích về số vụ việc tham nhũng bị phát hiện giảm, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - đặt vấn đề: “Số lượng các vụ án tham nhũng bị phát hiện giảm dần đều qua các năm. Gần đây không phát hiện thêm vụ tham nhũng lớn nào mà chủ yếu xử lý các vụ phát hiện từ trước. Dư luận đặt ra câu hỏi phải chăng tham nhũng ở nước ta đã giảm?”.

Nguồn: Báo cáo của Chính phủ. Đồ họa: Tấn Đạt.
Nguồn: Báo cáo của Chính phủ. Đồ họa: Tấn Đạt.

Ông Quyền cho rằng “đây là vấn đề cần đánh giá hiệu quả PCTN của các cơ quan, nhất là cơ quan chuyên trách về lĩnh vực này”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bình luận: “Nếu số vụ phát hiện ít mà nguyên nhân là tham nhũng đã giảm thì mừng quá. Nhưng tham nhũng vẫn nhiều, thậm chí nhiều hơn mà phát hiện ít thì rất đáng nói”.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định không thể lấy số liệu án tham nhũng phát hiện giảm mà cho rằng tình trạng tham nhũng ở Việt Nam đã giảm. Bởi vì bên cạnh chỉ số này còn nhiều chỉ số khác để đánh giá như xếp hạng của thế giới, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp...

Bà Nga đề nghị Chính phủ nêu đích danh các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hoặc chưa tốt công tác PCTN vì “nghị quyết của Quốc hội yêu cầu báo cáo phải nêu địa chỉ cụ thể”.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, đại biểu Nga chỉ ra một nghịch lý: trong số 19 bộ, ngành, địa phương báo cáo tự đánh giá thì 7 bộ, ngành, địa phương đánh giá tình hình tham nhũng trong bộ, ngành, địa phương mình là ít nghiêm trọng. 4 đơn vị nói rằng không nghiêm trọng.

“Đề nghị các đồng chí nêu tên cụ thể các trường hợp này. Chúng ta hãy về hỏi nhân dân ở các địa phương, hỏi người dân và doanh nghiệp có liên quan đến công việc của các bộ, ngành này xem có đúng là tham nhũng ở đó ít nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng không?” - bà Nga nói.

Bà cũng đề nghị Chính phủ làm rõ tại sao chỉ có 19 đầu mối báo cáo, trong khi số lượng đầu mối phải báo cáo là gần 100 (63 tỉnh, thành và gần 30 bộ, ngành). Phải chăng công tác PCTN không được chú trọng ở những nơi không có báo cáo?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Ông Trần Đức Lượng cho biết Chính phủ đánh giá tình trạng tham nhũng dựa trên cơ sở nhiều tiêu chí, “còn dựa vào tự đánh giá chúng tôi cũng chưa dám bình luận”.

Ở một góc nhìn khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng lên tiếng: “Về kết quả chống tham nhũng không được như mong muốn. Trước đây, chúng ta đổ lỗi cho cơ chế, bây giờ lại sử dụng từ thể chế.

Sẽ sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN năm 2016 là sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, làm cơ sở sửa đổi toàn diện luật này, bao gồm cả kiện toàn tổ chức, bộ máy chuyên trách PCTN, bổ sung quy định thu hồi tài sản tham nhũng.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản, thu nhập. Công khai minh bạch trong hoạt động các cơ quan, chống phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân. Sửa đổi, bổ sung, thực hiện nghiêm các chế độ định mức, tiêu chuẩn.

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; đẩy mạnh thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; có chính sách về lương, thưởng hợp lý;

Hoàn thiện và thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, việc thực hiện quy định về quà tặng, quà biếu, nhận quà và nộp lại quà.

Tại sao chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho thể chế? Tôi cho rằng chúng ta có làm thật và làm mạnh hay không mà thôi. Tôi thấy các giải pháp Chính phủ trình bày chủ yếu là phòng ngừa, nhưng lại thiếu giải pháp “đánh án”, tấn công tham nhũng”.

Có tham nhũng ở các ngân hàng bị mua 0 đồng?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ với Quốc hội việc mua các ngân hàng cổ phần thương mại với giá 0 đồng thời gian qua. Ông cảnh báo ngân sách nhà nước có thể phải “gánh” những khoản “âm” của các ngân hàng này, mà nguyên nhân có thể bắt đầu từ tham nhũng.

Ông Nghĩa đặt vấn đề: “Các ngân hàng tư là tiền của các ông chủ góp vào, và đặc biệt nguồn vốn cực lớn của ngân hàng là của dân góp vào. Vừa rồi một loạt ngân hàng chúng ta không cho phá sản mà đi mua nó với cái giá 0 đồng.

Nói cách khác là Nhà nước quốc hữu hóa các ngân hàng này và mua với giá bằng 0. Tôi nói ví dụ một ngân hàng có 10.000 tỷ, huy động của nhân dân 50.000 tỷ nữa, nhưng bây giờ đã “âm” hết số 60.000 tỷ này rồi.

Tiền của chủ ngân hàng mất đi thì không nói, họ thua lỗ thì phải chịu. Nhưng số 50.000 tỷ của nhân dân góp, bây giờ Nhà nước lấy tiền đâu để gánh chỗ này?”.

Ông Nghĩa thắc mắc: “Chúng tôi không nói về chủ trương, vì trong hoàn cảnh như vậy quốc hữu hóa có thể là không sai.

Nhưng chúng tôi muốn hỏi là: nếu như có việc các ông chủ ngân hàng chỉ góp một phần để thành lập, sau đó huy động 4- 5 phần khác từ nhân dân, rồi đem tiền này phân bổ (cho vay) về các công ty con, các dự án của các ông ấy và những người thân quen, chạy chọt có phải là tham nhũng không?

Đến nay ở một số ngân hàng thì giám đốc, lãnh đạo đã bị bắt, nhưng chưa biết tình hình tham nhũng thế nào. Chúng tôi kiến nghị Ủy ban Tư pháp đề nghị làm rõ toàn bộ vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội tới đây, bởi vì vấn đề này nhân dân rất quan tâm”.

Chưa có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh

Tình trạng đưa, nhận hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền chưa giảm. Ý thức, trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế nhưng chưa có các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh.

Qua công tác khảo sát của Thanh tra Chính phủ thì số lượng người dân, công chức, viên chức sẵn sàng tố cáo tham nhũng tăng lên, nhưng trên thực tế số lượng đơn thư tố cáo tham nhũng gửi đến các cơ quan có thẩm quyền và được xem xét giải quyết không tăng.

Vẫn còn tình trạng cán bộ trong các cơ quan tư pháp, ngay cả cán bộ làm công tác chống tham nhũng, vẫn có hành vi tiêu cực, tham nhũng.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150912/hoi-lo-chay-chot-rat-pho-bien/967647.html

Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm