Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Hồi ký 'Tâm si-đa – Vượt lên cái chết'

Đó là cuốn tự truyện của tác giả Trương Thị Hồng Tâm viết về cuộc đời đầy sóng gió của chính mình.

Hồi ký 'Tâm si-đa – Vượt lên cái chết'

Đó là cuốn tự truyện của tác giả Trương Thị Hồng Tâm viết về cuộc đời đầy sóng gió của chính mình.

Cuốn sách có giá bìa 78.000 đồng.

Cuốn sách “Hồi ký Tâm si-đa” được viết trong nhiều năm, ra mắt đông đảo độc giả cả nước vào ngày 19/3/2012. Đến tháng 11, cuốn hồi ký đã tái bản, trở thành một trong những tác phẩm tự truyện thu hút nhất năm 2012. Tác giả cuốn sách được gắn với những tiêu đề đầy cảm phục như Người mẹ vượt lên cái chết, Người đàn bà bước ra từ bóng tối, Không gục ngã....

Với ngôn ngữ mộc mạc bình dị, đôi khi tự nhiên như những lời kể chuyện tâm tình giữa đời thật, Hồi ký Tâm si-đa đã lay động trái tim nhiều người đọc bởi cảnh đời khắc nghiệt, trần trụi và đau đớn cũng như nghị lực và tấm lòng của cô. 

Trong cuốn sách, chuỗi ngày tuổi trẻ đầy éo le của cô được tái hiện từng ngày, đem đến một hiện thực đớn đau của những đứa trẻ không được sống trong sự quan tâm của gia đình, sớm bị đẩy ra ngoài xã hội khi vẫn còn non nớt, và cuối cùng sa chân lỡ bước. Nhưng rồi trải qua tất cả, với sự chia sẻ, yêu thương của những người tốt bụng, tác giả cuốn tự truyện đã vượt qua bóng tối, vượt lên chính mình, nhìn nhận những điều tốt đẹp hơn và phấn đấu để thoát khỏi cuộc sống tăm tối.

Một trong những điều khiến cuốn sách trở nên đặc biệt hơn chính là sự chân thật đến xót xa của từng câu chữ. Ở đó, người đọc cảm nhận được nỗi mất mát của tuổi thơ, nghẹn ngào khi cô nhận đồng thương đầu tiên. Và hơn tất cả, là tấm lòng của người phụ nữ đối với những số phận không may mắn như mình. Chính vì vậy, sự lan tỏa của tác phẩm trở nên rộng rãi hơn, nó không đơn thuần là một tác phẩm văn học, mà là hiện thân của một nghị lực sống, đi qua bóng tối để sống và cống hiến cho cộng đồng.

Trích Hồi ký Tâm si-đa:

Đồng lương đầu tiên

Vào sáng thứ hai đầu tuần, tất cả chúng tôi phải đạp xe lên Trung tâm Bình Triệu để họp giao ban, còn triển khai công tác thì họp ngay tại các công viên hoặc ngồi trước thềm Cung Văn hóa lao động. Được vài tháng, chúng tôi bắt đầu có văn phòng riêng ở số 41/3 Phạm Ngọc Thạch. Dần dần nghề dạy nghề, tôi có nhiều kỹ năng tiếp cận hơn, nói năng không còn ngập ngừng như trước nữa. Từ ngày có văn phòng, tôi có cảm giác mình đã là một nhân viên chân chính như bao nhiêu phụ nữ bình thường khác trong xã hội - có công ăn việc làm, sáng đi chiều về.

Tôi cứ đi bộ để làm việc trong khi cả nhóm đi xe đạp, chỉ Bình có xe máy chạy tới chạy lui. Các bạn hùn tiền cho tôi mượn mua xe đạp cũ. Được giúp đỡ có xe tôi rất xúc động. Chính sự ân cần của các bạn càng giúp tôi thêm nghị lực vươn lên. Tôi cố gắng sống thật tốt để tạo niềm tin nơi các bạn mới của tôi. Ngày ba buổi, sáng học tập, chiều và tối đi tiếp cận, tôi đạp xe đều đặn từ chỗ ở tới văn phòng hơn năm cây số.

Nhớ lại lần đầu ký tên lãnh lương, tôi cầm cây viết mà run run xúc động không biết viết tên mình như thế nào. Ký tên xong bước ra khỏi phòng kế toán, tôi cứ đếm đi đếm lại ba trăm ngàn đồng trên tay. Đếm hoài không biết mỏi. Nước mắt chảy dài.

Lần đầu tiên trong đời cầm số tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình tạo ra, tôi cảm thấy sung sướng và tự hào với đồng tiền rất ư là trong sạch. Tôi không bao giờ quên lần đầu ký tên ấy trong đời. Với đồng lương khiêm tốn, tôi phải dè sẻn trả bớt nợ cho những người đã cho tôi vay khi tôi còn sống lang thang ngoài đường phố. Cũng vì vậy mà tôi không thể phụ giúp được cho má tôi.

Má tôi thấy tôi cứ đi đi về về, ăn cơm ké hoài mà không phụ đồng bạc nào, bà bực mình chửi chó mắng mèo khi có mặt tôi ở nhà. Rồi chuyện đến phải đến, một trận cãi vã kịch liệt giữa hai má con. Tôi ôm quần áo bỏ đi, rời xa má tôi, rời xa gầm cầu thang chung cư Chợ Quán.

Tựa nương tình người

Không còn nơi nương tựa để có thể sống cuộc sống tốt mà tôi vừa có được. Trong túi không có tiền, giấy tờ tùy thân cũng không nốt, làm sao thuê được căn phòng nhỏ để ở? Tôi lang thang, chân mỏi rã rời. Đánh liều, tôi về văn phòng xin bảo vệ cho ngủ đỡ qua đêm. Bảo vệ không dám cho tôi ngủ nhờ vì sợ bị sếp rầy. Năn nỉ mãi, cuối cùng anh đành cho tôi ngủ tạm ở phòng sinh hoạt. Bốn giờ sáng, tôi dậy thật sớm rời văn phòng, ra đầu hẻm. Thời gian chờ đợi dài lê thê...

Từ đó, ban ngày tôi đi tiếp cận với các bạn, đến tối, khi các bạn về nhà hết, tôi vẫn đi tiếp cận một mình vì tôi cũng không biết đi đâu nữa. Đến 22 giờ, tôi mới dám nhấn chuông xin vào, tắm rửa vệ sinh xong là trải khăn bàn ra nằm ngủ ngon lành sau một ngày mệt lử. Ngủ một mạch đến bốn giờ sáng thức dậy, lại ra đầu hẻm ngồi uống cà phê chờ đúng giờ làm việc mới dám trở vô... Tôi sống như vậy ròng rã gần một năm trời.

Sống trong môi trường mới tôi ngộ ra một điều: còn có rất nhiều người tốt trong xã hội mà trước đây tôi cho là rỗng tuếch, là cạn tình người. Trước đây có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình có dịp đối diện với những người bình thường trong xã hội. Nhưng bây giờ tôi được tiếp xúc với mọi tầng lớp trí thức, từ các anh chị phóng viên đến các vị bác sĩ nổi danh... Các anh chị không dè bỉu khinh khi tôi, xem tôi như một người bạn, một đứa em, một người chị trót lỡ sa chân nay đã quay trở về. Sự ân cần, động viên, yêu thương ấy đã giúp tôi vượt qua mặc cảm. Tôi tự nhủ phải sống thật tốt, phải làm được nhiều việc có ích, phải tìm cách giúp các em, các bạn rời xa ổ mại dâm, ổ ma túy, tìm cách đưa các em tìm lại tuổi hồn nhiên, giúp các chị mại dâm trở về cuộc sống bình thường.

Nhân thêm cơ hội

Tôi theo nhóm đi tiếp cận, truyền thông, phát những tờ bướm mang thông tin đến cho mọi người. Công việc tưởng dễ nhưng không dễ! Tôi phải nhập vai trong từng hoàn cảnh ở những tụ điểm, thuyết phục đủ cách để các chị hiểu về an toàn tình dục và chấp nhận thay đổi hành vi. Để công việc được thuận lợi, tôi đã làm cả những việc không có trong chương trình hướng dẫn.

Tôi tìm đến những bạn bè cũ đang ở chung xóm hoặc có quen với chủ chứa, mời gọi họ tham gia làm cộng tác viên. Ở khu vực “cây điệp đôi” ngã bảy Lê Hồng Phong, tôi mời gọi Tư Huệ, và Huệ đồng ý cùng tôi đi dán ápphích tuyên truyền HIV/AIDS trong những con hẻm ngoằn ngoèo. Huệ giúp tôi nói chuyện với chủ chứa, tặng bao cao su để chủ bán cho khách, hướng dẫn các chị xài bao cao su cho đúng cách, đưa các chị đến bệnh viện da liễu khám chữa bệnh miễn phí...

Tôi vận động Huệ đi làm giáo dục viên đồng đẳng như tôi. Rồi từ Huệ, tôi tiếp cận được chị Nguyễn Thị Kim Dung... Khu vực Lê Hồng Phong bắt đầu hình thành một nhóm sinh hoạt, từ Huệ, Dung đến Mai lớn, Mai nhỏ, Tuyết, bé Thanh... Có thêm đồng sự mới, Huệ và Dung tiếp cận, truyền thông ở khu vực “cây điệp đôi”, còn tôi với Ngọc Thanh chuyển sang khu vực Cầu Hàn, Nhà Bè, Phú Xuân...

Bạn đọc quan tâm có thể đặt sách tại nhà sách trực tuyến 123.vn để được hưởng ưu đãi giảm giá 20%.

HÀ PHƯƠNG

Theo Infonet

HÀ PHƯƠNG

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm