Không thể tin nổi. Chelsea lại thua. Trận thua thứ 6 mùa này (sẽ là 7 nếu kể cả trận Siêu cúp Anh). Riêng tại Premier League mùa này, đây là thất bại thứ 4 sau 8 vòng đấu, chỉ thắng hai lần và để thủng lưới 17 bàn. Ở nhiệm kỳ đầu với "The Blues", Mourinho phải đợi đến trận thứ 68 tại Premier League để nhận trận thua thứ 4.
Jose Mourinho đang trải qua giai đoạn khó khăn khi dẫn dắt Chelsea. Ảnh: Getty Images. |
Đây cũng là thất bại thứ 7 trên sân nhà trong sự nghiệp của huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, nhưng 2 trong số đó xảy ra ở mùa này và đêm thứ bảy trùng khớp với kết quả tồi tệ nhất: Thua 1-3 trước Barcelona thời còn dẫn dắt Real. Thêm một dấu mốc nữa, Southampton là đội đầu tiên ở Premier League ghi tới 3 bàn tại Stamford Bridge dưới triều đại Mourinho.
Mọi thứ đang trở thành thảm họa với “Người đặc biệt” mà ông không thể hiểu tại sao. Không chỉ là một cuộc khủng hoảng. Nó sẽ còn trở nên tồi tệ hơn bởi không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, nó sẽ dừng lại.
Vào thứ năm, Mourinho thừa nhận ông đang sống trong quãng thời gian khủng khiếp nhất kể từ khi bước vào nghiệp cầm quân và hy vọng nó chấm dứt ngay lập tức. Ông đã thử những gì có thể để hy vọng thoát ra khỏi vòng xoáy khủng hoảng.
Ông đã chỉ trích các cầu thủ và đặt câu hỏi về thái độ của họ. Ông đã có buổi nói chuyện để tái khẳng định quyền lực của mình, rồi trở lại sau đó để giết họ bằng lòng tốt, bảo vệ họ khi thất bại. Ông cũng đã loại bỏ một số cầu thủ, đặt niềm tin vào một số khác.
Mou đã từ bỏ 4-2-3-1 để chuyển sang 4-3-3, rồi lại quay về 4-2-3-1. Ông sử dụng lần lượt Remy rồi Falcao, một vài dịp đẩy Fabregas lên đá số “10”, đảo lộn mọi vị trí. Vào ngày thứ bảy, ông chấp nhận triệu hồi đội trưởng John Terry, nhưng không hiệu quả. Ông đưa Nemanja Matic vào sân từ băng ghế dự bị rồi lại ném anh ta ra ngoài chỉ sau 28 phút. Bị làm nhục, Matic đã không chấp nhận ngay cả cái bắt tay từ người quản lý.
Jose Mourinho đang nỗ lực giúp Chelsea thi đấu tốt hơn, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Ảnh: Getty Images. |
Mourinho đã làm tất cả, sử dụng mọi mánh khóe cả trong lẫn ngoài sân cỏ, giảm áp lực chỗ này, tăng áp lực chỗ kia. Chỉ có điều, tất cả đều nhận thấy, Chelsea vẫn là một cỗ máy bị hư hại khắp nơi. Không một chỗ nào đang làm việc. Mou hoàn toàn bất lực.
Điều gì tiếp theo cho Jose Mourinho? Không còn gì để bào chữa và cũng thật khó để tìm ra ai đó để đổ lỗi. Ông phải chịu trách nhiệm chính cho sự sụp đổ của nhà vô địch, cho giai đoạn tồi tệ nhất mà Chelsea đang phải trải qua.
Người hâm mộ "The Blues" đã mất bình tĩnh. Họ bắt đầu la ó và quay lưng lại với đội bóng. Những người mới hơn 100 ngày trước còn được tung hộ bây giờ trở thành tâm điểm của chỉ trích. Đâu đó trên khán đài Matthew Harding, những lời kêu gọi sa thải Mou đã vang lên. Đầu tiên là lác đác, sau đó dồn dập và thôi thúc. Từ khu VIP, Roman Abramovich có thể nghe thấy rõ ràng.
Trong khi đó, Mourinho vẫn bám trụ thành trì của mình. Nói sau trận đấu, huấn luyện viên người Bồ Đào Nha kiên quyết ở lại Stamford Bridge. Đội bóng có thể sa thải, nhưng riêng ông không bao giờ từ chức. Và trong trường hợp Chelsea ném ông ra đường, có nghĩa là họ đã đánh mất “Huấn luyện viên tốt nhất mà CLB từng có”.
Mou không sai. Ông là số ít các quản lý đạt tỷ lệ thắng tới 66,49% trong cả sự nghiệp. Chỉ có điều, nếu như nhiệm kỳ đầu tại Chelsea, tỷ lệ thắng của ông lên tới 67% thì hiện tại, nó suy giảm xuống còn 60,98%, thua cả Avram Grant, Carlo Ancelotti và nhỉnh hơn một chút so với Rafael Benitez.
Trong 2 năm qua, “Người đặc biệt” luôn đề cập tới một đế chế kéo dài ít nhất 10 năm. Điều đó đã được manh nha vào mùa giải năm ngoái nhưng đổ sụp vào năm nay. Với tình trạng hiện tại, thật khó tin nếu Abramovich cho Mou thêm thời gian. Tỷ phú người Nga đã nhượng bộ, chấp nhận gác lại giấc mộng “sexy football” để đổi lấy các chiến thắng và gây dựng sự ổn định. Khi yêu cầu tối thiểu cũng không đạt được, đoán xem kết cục nào cho Mou?
Và với Abramovich, việc sa thải hay từ chức không bao giờ có ý nghĩa.