Hồi hộp từng giây đón tê giác quý hiếm ra đời tại Việt Nam
Chủ nhật, 28/4/2019 09:00 (GMT+7)
09:00 28/4/2019
"Tê giác là loài động vật khá khó tính, tỷ lệ sinh sản thành công cực thấp trên toàn thế giới. Để có thể giao phối và thụ thai, tê giác phải cảm thấy thật sự vui vẻ, hạnh phúc".
Chỉ trong tháng 4, 2 chú tê giác con đã chào đời tại công viên Vinpearl Safari Phú Quốc.
Chú tê giác sơ sinh đầu tiên được ra đời ngày 3/4 là con của cặp bố mẹ tê giác trắng châu Phi (White Rhinoceros). Sau đó 17 ngày, thêm một chú tê giác trắng nữa chào đời trong sự hân hoan, hạnh phúc của toàn bộ lực lượng bác sĩ thú y, chuyên viên chăm sóc của công viên.
"Trong quá trình sinh đẻ của tê giác, bao nhiêu giây trôi qua là bằng đó sự hồi hộp, lo lắng của đội ngũ những người có mặt đỡ đẻ. Chỉ một sự bất cẩn nhỏ nhất, việc chào đời của tê giác non sẽ bị ảnh hưởng xấu", ông Nguyễn Đình Cao, Trưởng bộ phận chăm sóc động vật, vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc chia sẻ.
Loài tê giác trắng châu Phi (White Rhinoceros) đang được nuôi dưỡng, nhân giống tại vườn thú Vinpearl Safari. Ảnh: Liêu Lãm.
Hồi hộp từng khoảnh khắc
Tối 20/4, chú tê giác mẹ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. Toàn bộ đội ngũ chăm sóc, chuyên gia, bác sĩ của vườn thú nhận được thông báo vào vị trí trực và tập trung cao độ. Từng biểu hiện nhỏ nhất của tê giác mẹ được quan sát, ghi chép tỉ mỉ. Một chi tiết nhỏ nhất bị bỏ qua cũng có thể khiến ca sinh nở bị ảnh hưởng và sức khỏe, thậm chí tính mạng của tê giác con gặp nguy hiểm.
“Để gần gũi, chăm sóc tê giác hàng ngày cần phải tốn một thời gian dài tiếp xúc, khiến tê giác cảm thấy an toàn. Trong thời khắc sinh con còn khó khăn hơn để tiếp cận vì phải để con vật thấy chúng ta hiểu và đồng cảm với nó”, ông Nguyễn Đình Cao phân tích.
Để gần gũi, chăm sóc tê giác hàng ngày cần phải tốn một thời gian dài tiếp xúc. Ảnh: Liêu Lãm
Theo ông Cao, tê giác là loài vật dễ bị stress và trở nên hung dữ bởi yếu tố bên ngoài. Trong lúc sinh con, chỉ cần cảm thấy thiếu an toàn hay không thoải mái, chúng sẽ dễ dàng trở nên nổi nóng, tấn công mọi đối tượng xung quanh, kể cả con mình vừa sinh ra.
Trong lúc sinh con, chỉ cần cảm thấy thiếu an toàn hay không thoải mái, chúng sẽ dễ dàng trở nên nổi nóng, tấn công mọi đối tượng xung quanh, kể cả con mình vừa sinh ra.
Ông Nguyễn Đình Cao, Trưởng bộ phận chăm sóc động vật Vinpearl Safari.
Do có kinh nghiệm từ lần sinh sản trước của tê giác, các chuyên viên chăm sóc đã áp dụng những biện pháp nghiệp vụ để xoa dịu tâm lý chú tê giác mẹ trong buổi tối chuyển dạ.
Sau vài tiếng lăn lộn khắp khu chuồng nuôi, 22h30 ngày 20/4, chú tê giác con thứ 2 đã cất tiếng kêu đầu tiên. Một sự cố đã xảy đến, chú tê giác con bị vướng vào máng thức ăn, tê giác mẹ liên tục húc để gỡ con mình đứng dậy nhưng không thành công.
Một lần nữa, tâm trạng của toàn đội ngũ vườn thú đặt vào tình trạng lo lắng trở lại. Tê giác mẹ xuất hiện những biểu hiện căng thẳng sau khi sinh. Việc các chuyên viên tiếp cận để gỡ chú tê giác non dậy gần như không thể bởi họ có thể bị tê giác mẹ tấn công. Tê giác là loài vật sẽ đặc biệt cảnh giác khi có người lạ tiếp xúc con mình.
Tê giác là loài vật sẽ đặc biệt cảnh giác khi có người lạ tiếp xúc con mình. Ảnh: Liêu Lãm
“Dường như mất kiên nhẫn, chú tê giác mẹ húc mạnh vào sườn khiến chú tê giác sơ sinh văng ra và nằm bất động. Tất cả người có mặt tại đó đều thót tim, lo sợ cho tính mạng của bé tê giác vừa chào đời”, ông Lê Hồng Nhật, bác sĩ bệnh viện thú y tại Vinpearl Safari, người trực tiếp chăm sóc và theo dõi chú tê giác mẹ trong quá trình sinh con đêm 20/4 thuật lại.
Cuối cùng, may mắn đã tới, sau vài phút nằm im, chú tê giác con đã chập chững bước những bước chân đầu tiên dưới sự hân hoan, hạnh phúc của toàn ê kip đỡ đẻ hôm đó.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được lâu, một nỗi lo mới lại xuất hiện khiến toàn đội ngũ chuyên viên chăm sóc, bác sĩ thú ý có mặt khi đó tại tiếp tục căng thẳng thức trắng đêm theo dõi.
10 tiếng hồi hộp chờ đợi giọt sữa đầu tiên
“Tê giác là loài động vật cảnh giác cao độ với môi trường xung quanh, khi mới đẻ, chúng thường để con non lên trước mặt để quan sát. Chỉ khi thấy an toàn tuyệt đối, không còn căng thẳng, tê giác mới để con tự do đi lại”, anh Bùi Phi Hoàng, tổ trưởng chăm sóc động vật Vinpearl Safari giải thích.
Do căng thẳng tâm lý trong quá trình sinh nở, chú tê giác mẹ chỉ đi quanh chuồng để tìm những góc khuất nhất, chú tê giác con cũng bị đẩy đi theo. Nhiều giờ trôi qua, chú tê giác con kêu thảm thiết nhưng vẫn chưa được bú đợt sữa mẹ đầu tiên.
Khi căng thẳng, tê giác thường để con non lên trước mặt để quan sát. Ảnh: Liêu Lãm
Hình ảnh qua camera theo dõi được quan sát từng giây, sau khi hội ý, đội ngũ chuyên viên sử dụng hàng chục biện pháp khác nhau nhưng vô ích. Chú tê giác mẹ chưa thể trở lại trạng thái tâm lý bình thường, tính mạng của chú tê giác non dần bị đặt trong vòng nguy hiểm.
Sau khi sinh, tê giác non phải tìm được bầu vú và bú đợt sữa non đầu tiên, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng và sự phát triển.
Ông Bùi Phi Hoàng, tổ trưởng chăm sóc động vật Vinpearl Safari.
“Sau khi sinh, tê giác non phải tìm được bầu vú và bú đợt sữa non đầu tiên, nếu không sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng và sự phát triển”, tổ trưởng chăm sóc động vật Vinpearl Safari chia sẻ.
Toàn tổ chăm sóc như ngồi trên đống lửa, khi mọi nỗ lực dần trở thành bất lực, sự kiên nhẫn cạn kiệt dần thì đến 8h30 ngày 21/4, tê giác con đã được bú những giọt sữa non đầu tiên. Sau hơn 10 giờ quần thảo quanh chuồng, tê giác mẹ đã chịu để bé tê giác con tìm tới bầu sữa của mình.
Sau một đêm thức trắng, cân não, cạn kiệt sức lực, các chuyên viên, bác sĩ của Vinpearl Safari Phú Quốc mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Hạnh phúc khi nhìn lại cả quá trình
Chuyên viên Danh Thuận Phát, Tổ trưởng tổ chăm sóc thú móng guốc tại vườn thú chia sẻ việc liên tiếp 2 tê giác non thuộc loài quý hiếm được sinh ra không chỉ mang lại niềm vui khi vườn thú đón thành viên mới, mà đó còn là sự đền đáp bởi quá trình chăm sóc tỉ mỉ từ khi nhận ra dấu hiệu mang thai của tê giác mẹ.
“Tê giác là loài động vật khá khó tính, tỷ lệ sinh sản thành công cực thấp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới. Để có thể giao phối và thụ thai, tê giác phải cảm thấy thật sự ‘hạnh phúc’”, anh Phát chia sẻ.
Trước và sau khi sinh con, mọi hoạt động của tê giác mẹ và con non đều được quan sát, ghi chép cẩn thận. Ảnh: Liêu Lãm.
Trong tự nhiên, tê giác chỉ giao phối khi thời tiết mát mẻ dễ chịu và khi chúng cảm thấy an toàn. Trong môi trường nuôi nhân tạo, để đáp ứng những điều kiện trên rất khó khăn khi phải đáp ứng nhiều yếu tố khác nhau như sinh cảnh phải giống với môi trường tự nhiên, những đồng cỏ xavan, chỗ trú râm, nơi tắm bùn lầy… Ở Việt Nam hiện nay, gần như chưa có vườn thú nào đáp ứng đủ điều kiện để tê giác bắt cặp, phối giống như tại Vinpearl Safari Phú Quốc.
Để có thể giao phối và thụ thai, tê giác phải cảm thấy thật sự ‘hạnh phúc'.
Ông Danh Thuận Phát, tổ trưởng chăm sóc thú móng guốc tại Vinpearl Safari.
Để đạt được thành quả là 2 chú tê giác thuộc loài quý hiếm ra đời, toàn đội ngũ của Vinpearl Safari Phú Quốc đã tới nhiều vườn quốc gia hoang dã, bán hoang dã trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, thu thập kiến thức và áp dụng điều kiện đó ngay tại Việt Nam. Chưa kể, định kỳ hàng năm các tổ chức, chuyên gia nước ngoài thực hiện đánh giá phúc trạng động vật tại Vinpearl Safari với những tiêu chuẩn khắt khe hàng đầu khu vực và thế giới.
Sau khi tê giác ghép đôi, từng chi tiết nhỏ nhất trong sinh hoạt của tê giác mẹ được giám sát chặt chẽ để đảm bảo tê giác sẽ đậu thai.
Sau khi tê giác mẹ mang thai, việc đảm bảo một điều kiện sống lý tưởng sẽ được đặt lên hàng đầu. Từ việc giữ vệ sinh chuồng trại, nơi cư trú tới khẩu phần ăn được các chuyện viên chăm sóc đặc biệt chú ý để thai nhi có thể phát triển tốt nhất.
Khẩu phần ăn của tê giác luôn phải đầy đủ dinh dưỡng trước và sau khi sinh. Ảnh: Liêu Lãm
Ngay cả khi đã mang thai thành công, việc theo dõi, quan sát đời sống của cá thể tê giác mẹ và tê giác con cũng không được lơ đãng. Khẩu phần ăn luôn phải đầy đủ dinh dưỡng, việc phối hợp đồ ăn cần đầy đủ dưỡng chất và tăng khả năng tiết sữa tê giác mẹ.
“Trong hơn 2 tuần, vườn thú, công viên Vinpearl Safari đón 2 cá thể tê giác con mới đối với tôi là niềm vinh dự khó tả. Vui, tự hào bởi việc để tê giác sinh sản thành công là điều khó khăn, hiếm gặp trên cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, chứng tỏ Vinpearl Safari không đơn thuần là điểm đến vui chơi mà còn là điểm bảo tồn động vật hoang dã hàng đầu khu vực và trên thế giới hiện nay”, ông Nguyễn Đình Cao, Trưởng bộ phận chăm sóc động vật, vườn thú Vinpearl Safari nói.
Chú tê giác mới sinh có tên khoa học là Ceratotherium simum (thuộc họ White Rhinoceros), phân bố chủ yếu ở Đông Bắc và miền nam châu Phi. Đây là một trong 5 loài tê giác hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới hiện nay.
Được gọi với tên quen thuộc là tê giác trắng châu Phi nhưng da của loài này lại có màu nâu, xám hoặc đen, miệng rộng có 2 sừng và bướu lớn phía sau cổ. Theo các chuyên gia của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á, việc mang thai và sinh nở của tê giác khó khăn chủ yếu do quá trình mang thai kéo dài 16-18 tháng có nhiều rủi ro cần lịch trình chăm sóc, theo dõi sát sao, hệ thống chuồng trại phải rộng rãi, đủ chuẩn tê giác mới sinh sản.
Không chỉ có vậy, việc ghép cặp, tạo điều kiện giao phối của tê giác cũng đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chăm sóc.
Với hệ sinh thái phù hợp, môi trường sống thuận lợi, 7 cá thể tê giác lớn tại Vinpearl Safari Phú Quốc đã vào tuổi trưởng thành, 2 cá thể trong số đó đã sinh sản và một cá thể đang có những biểu hiện tích cực của việc mang bầu. Trong tương lai gần với những yếu tố thuận lợi nói trên, ngôi nhà Vinpearl Safari đông đúc những loài thú non là điều không xa lạ.
Vinpearl Safari liên tiếp chào đón 2 cá thể tê giác chào đời, đây là loài có quá trình sinh sản tự nhiên khó khăn, đòi hỏi điều kiện khắt khe về môi trường sống.