Hội hè lễ Tết của người Việt là tập tiểu luận nghiên cứu của Giáo sư, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên. Cuốn sách được viết bằng tiếng Pháp, là cách trò chuyện của một trí thức bản địa với những độc giả, giới nghiên cứu Pháp. Sách được Đỗ Trọng Quang và Trần Đỉnh dịch sang tiếng Việt.
Sách Hội hè lễ tết của người Việt. |
Sách cung cấp thông tin một cách khoa học về các dịp tết của Việt Nam như Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung Thu... hay đưa độc giả đắm mình trong không khí của những lễ hội như hội Phù Đổng. Các tập tục như thờ cúng thần tiên, thành hoàng làng, các húy kỵ, các vị thần tiên gốc Việt... được mô tả, phân tích trong sách.
Thông qua những cuộc trò chuyện về văn hóa, phong tục tập quán, cuốn sách còn giúp người đọc hiểu một thông điệp sâu sắc hơn, rằng sự đa dạng văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng làm nên những giá trị bền vững.
Hơn 70 năm sau khi ra đời, Hội hè lễ Tết của người Việt được đánh giá là vẫn có thể phù hợp, mời gọi bạn đọc hôm nay.
Nhân dịp tái bản cuốn sách, một buổi trò chuyện về tác phẩm được thực hiện vào lúc 18h ngày 21/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Tại tọa đàm, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, PGS. TS. Nguyễn Quang Hưng - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo đương đại, TS. Mai Anh Tuấn sẽ cùng trò chuyện về giá trị của cuốn sách cũng như những đặc trưng trong phong tục tập quán Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và vợ. |
Tác giả cuốn sách - giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) - là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong thời gian dài nhất (28 năm), là Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nguyễn Văn Huyên là học giả uy tín bậc nhất, được giới chuyên môn đánh giá là người cùng với học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam. Tên của ông được đặt cho tên một con phố chạy ngang qua Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Nguyễn Văn Huyên để lại nhiều nghiên cứu dân tộc học giá trị, trong đó có một số công trình tiêu biểu như: Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944), Văn minh Việt Nam (1944), Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000).