Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hối hả phòng chống siêu bão Haiyan

Siêu bão Haiyan (tốc độ gió ở tâm bão lên tới 379 km/h) đang tiến vào biển Đông và dự báo có thể đổ bộ vào các tỉnh miền Trung vào ngày 10/11. Dân miền Trung đang hối hả ứng phó với cơn bão mạnh nhất trong 10 năm nay.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối nay (8/11), vùng biển phía Đông biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.

Hơn 4.000 lao động đang trong vùng nguy hiểm

Theo Trung tâm phòng chống lụt bão khu vực miền Trung (đóng tại Đà Nẵng), đến 6h sáng 8/11, vẫn còn 298 tàu/4.053 lao động đang ở khu vực nguy hiểm từ vĩ tuyến 8 - 16. Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi còn 126 tàu/2.701 lao động, Bình Định còn 155 tàu/1.212 lao động, Phú Yên còn 17 tàu/140 lao động. 

Các tàu này hiện đã neo đậu tại các đảo ở quần đảo Trường Sa hoặc đang di chuyển về bờ để tránh bão. Ngoài ra, còn 105 tàu/835 lao động của các tỉnh miền Trung đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Ngư dân miền Trung cột thuyền vào nơi an toàn để tránh bão.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã ra công điện, thông báo chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với siêu bão Haiyan.

Nhiều ngày qua tại miền Trung có mưa to, gió lớn đã làm 1 người thiệt mạng và 1 mất tích. Cụ thể, ngày 7/11, tàu BĐ 91377 TS do ông Trương Hoài Lưu (trú Hoài Hải, Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng, đang trên đường từ Cam Ranh về Quy Nhơn đã bị mắc vào san hô nên nhờ 1 tàu ở Phú Yên lai dắt. Trong lúc lai dắt, thuyền viên Trương Văn Tài bị dây thừng quấn vào cổ dẫn đến tử vong. 

Tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, tàu hàng An Phát 36 trong lúc chở hàng đã bị mắc cạn vào chiều ngày 6/11. Sau khi tàu gặp nạn, Đồn Biên phòng Cửa Việt, Đồn Biên phòng 208 và Cảng vụ Hàng Hải đã đưa lực lượng ra ứng cứu, đưa 7 thuyền viên vào bờ an toàn. Hiện vẫn còn 1 thuyền viên bị mất tích đang được Bộ đội Biên phòng khẩn trương tìm kiếm.

Hải Yến là cơn bão mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Sẵn sàng ứng phó với cơn bão lịch sử

Chiều nay, 8/11, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến bàn biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan với sự tham gia của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương; Ủy ban Quốc gia TKCN; Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành phố. Trước đó, ngày 7/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 1816/CĐ-TTg về việc chỉ đạo chủ động đối phó với siêu bão Haiyan.

Tại Đà Nẵng, để chủ động đối phó với bão Haiyan và lũ, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện, sở ngành chủ động các phương án đối phó bão Hải Yến. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, không cho người ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ. 

Các công nhân công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng đang triển khai chằng chống, gia cố các cây xanh vừa khôi phục lại sau bão Nari, chặt tỉa cành, nhánh các cây cao hạn chế ngã đổ.

Sáng nay (8/11) trong công điện khẩn số  185/CĐ-BQP gửi các đơn vị trực thuộc, Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình chủ tàu bằng mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực từ bắc vĩ tuyến 08 đến nam vĩ tuyến 20 về bờ hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tại các nơi tránh trú; có biện pháp bảo đảm an toàn lồng bè nuôi trồng thủy sản; giữ vững thông tin liên lạc với các phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện của đơn vị đang hoạt động trên biển; sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Quân chủng Phòng không - Không quân kiểm tra lực lượng trực tìm kiếm cứu nạn tại các sân bay; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Mưa bão liên tiếp ập vào các tỉnh miền Trung.

Dừng huấn luyện, sẵn sàng chống bão

Sáng cùng ngày, Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã họp nhằm triển khai kế hoạch phòng tránh bão Hải Yến. Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh quân khu 5 cho biết, Quân khu 5 đã thành lập khẩn cấp 3 sở chỉ huy cơ bản để sẳn sàng cùng với nhân dân ứng phó với cơn bão lịch sử. 

Theo đó, 1 sở chỉ huy được đóng tại TP.Đà Nẵng và 2 sở chỉ huy cơ động tại Quảng Nam và Bình Định. Thiếu tướng Nguyễn Long Cáng, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng quân khu và thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó tư lệnh quân khu, chỉ huy các lực lượng sẵn sàng cơ động xử lý tình huống. 

Trung tướng Lê Chiêm yêu cầu các đơn vị chuẩn bị cụ thể, chi tiết các phương án phòng chống bão, dự trữ thuốc men, lương thực… Đến 12h ngày 8/11, hầu hết các đơn vị của quân khu V  đã dừng việc huấn luyện để chuẩn bị các phương tiện xe cơ giới, tàu thuyền, trạm xá… sẵn sàng di dời, ứng cứu nhân dân vùng bão cũng như phối hợp với chính quyền các địa phương sơ tán dân đến nơi an toàn.

Trong suốt nhiều ngày qua, lãnh đạo Hải đội 2 (Bộ đội biên Phòng Đà Nẵng) cũng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ xuống tận các địa bàn Thọ Quang, Nại Hiên Đông… để cùng với ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn. Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cũng đã liên tục phát đi thông báo để kêu gọi ngư dân biết hướng đi của bão để phòng tránh. Bên cạnh đó, hàng trăm chiến sỹ cũng đã sẳn sàng nhận lệnh, lên đường chống bão. 

Bộ chỉ huy Vùng 3 Hải Quân cho biết, những ngày qua trên vùng biển liên tục có tàu thuyền của ngư dân gặp nạn. Do đó, đơn vị đã điều nhiều tàu ra khơi để ứng cứu, đưa ngư dân gặp nạn vào đất liền an toàn. Hiện đơn vị đã hoàn tất kế hoạch tác chiếc trước, trong và sau bão Hải Yến. 

Tại Khánh Hòa, sáng ngày 8/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, cho biết do ảnh hưởng của ATNĐ trong 2 ngày 6 và 7/11 toàn tỉnh có 1 người mất tích do chìm ghe, 9 ngôi nhà bị sập, 34 ngôi nhà bị tốc mái, sập vách và bị ngập; hoa màu bị ngập hơn 1.300ha, trong đó có hơn 730ha mất trắng, sập hai chiếc cầu…, ước tính tổng thiệt hại 4,2 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Thái Như Trị, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều nơi đang bị cô lập do nước lũ trên thượng nguồn đổ về. Cụ thể, tại huyện Khánh Vĩnh, cầu tràn Thác Ngựa, cầu nối liền ba xã Liên Sang, Giang Ly, Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh), nước tràn qua cao hơn mặt cầu từ 1 đến 3m, chia cắt các xã. 

Tại xã Khánh Hiệp, bờ tràn Cà Thiêu bị ngập hơn 3m nước, hàng trăm hộ dân tại đây bị chia cắt hoàn toàn. Hiện UBND huyện Khánh Vĩnh đã đặt biển báo cấm và cắt cử người túc trực tại những điểm cầu tràn để tránh sự cố đáng tiếc.

Hiện ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa đang khắc phục các sự cố, đồng thời có công điện chỉ đạo ban chỉ đạo phòng chống lụt bão các huyện, thành phố phải sẵn sàng để đối phó với cơn bão Hải Yến đang đi vào biển Đông và có khả năng đổ bộ vào Khánh Hòa và các tỉnh Trung Trung bộ.

Tại Quảng Ngãi, ngày 8/11, UBND tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp với các sở ngành liên quan để triển khai công tác phòng chống siêu bão Haiyan. Tính đến thời điểm này, tổng số tàu thuyền ở Quảng Ngãi còn hoạt động trên các vùng biển khoảng 200 chiếc/3.000 lao động. Trong đó, ở quần đảo Hoàng Sa 25 phương tiện/213 lao động; Trường Sa có 109 phương tiện/2.310 lao động; vùng biển phía Bắc còn 18 phương tiện/80 lao động; vùng biển phía Nam 30 phương tiện và vùng biển trong tỉnh 10 phương tiện/77 lao động.

Ngư dân Quảng Ngãi khiêng thúng vào nơi an toàn để tránh bão.

Theo Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi, đã liên lạc với các phương tiện và yêu cầu tìm nơi tránh trú bão. Riêng có 2 tàu cá của ngư dân Lê Hùng và Nguyễn Minh Tuấn, ở huyện đảo Lý Sơn đang ở vùng Trường Sa chưa liên lạc được.

Để tránh những thiệt hại, lệnh cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động đã được tỉnh ban hành. Riêng số hộ dân nằm trong kế hoạch sơ tán nếu bão đổ bộ vào là 54.050 hộ/216.000 nhân khẩu.Trong đó có 5.189 hộ/với 21.370 khẩu nằm ở khu vực rủi ro cao, gồm các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Lý Sơn cần phải di dời khẩn cấp.

Một vấn đề đáng ngại khác đó là nguy cơ vỡ hồ, đập chứa nước. Được biết Quảng Ngãi hiện có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989 nên đã xuống cấp. Ông Nguyễn Nhung - Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi - cho biết trong số công trình trên, hiện hồ chứa Đá Bàn mực nước đã vượt tràn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất. Đơn vị đã có kế hoạch di dời hơn 50 hộ dân sống ở vùng hạ lưu công trình này.

Nhóm PV

Bạn có thể quan tâm