Morgan Curtis (Mỹ) sinh ra trong gia đình giàu có nhiều đời. Gia sản của nhà bắt đầu từ thế kỷ 19, khi ông cố nhiều đời của cô đầu tư vào hệ thống đường sắt, còn anh trai của ông cố đầu tư vào các mỏ ở Trung Mỹ, theo The Guardian.
Cứ thế qua các thế hệ, khối tài sản càng lớn dần. Cha của Curtis hiện là nhà tư vấn quản lý cho các công ty lớn. Tất yếu, Curtis sinh ra đã sống trong nhung lụa và hưởng nhiều đặc quyền của giới nhà giàu.
Cô được gửi đi học trường tư thục ở London, đi trượt tuyết hàng năm ở Thụy Sĩ, học cưỡi ngựa như nhiều tiểu thư khác. Nhưng hiện tại, cô gái 30 tuổi đang lựa chọn sống trong một trang trại ở California với 40 người khác và khoản chi tiêu chỉ ở mức 25.000 USD/năm.
Nơi ở hiện tại của Morgan Curtis là một trang trại - nơi cô sống đơn giản cùng hàng chục người khác. Ảnh: The Guardian. |
Lý do đằng sau là Curtis đã từ bỏ hoàn toàn quyền thừa kế và trích 50% thu nhập của mình để từ thiện cho các phong trào xã hội, các tổ chức vì người da màu, các nhóm chống biến đổi khí hậu. Trên mạng, Curtis cập nhật thường xuyên và công khai những khoản quyên góp hàng năm của mình.
Tội lỗi, xấu hổ
“Đằng sau sự giàu có của gia đình tôi ngày nay là sự bất công với những người khác. Ông cố nhiều đời làm giàu được từ việc ủng hộ chế độ nô lệ và thuộc địa. Vì vậy, tôi không coi số tiền đó là của mình, mà thuộc về những cộng đồng bị đánh cắp đất đai và bóc lột sức lao động”, cô giải thích.
Năm 8 tuổi, Curtis lần đầu biết rằng nhà mình ở tầng lớp thượng lưu, khi gia đình mua căn nhà thứ hai tại vùng đất chuyên dành cho giới lắm tiền. Đến tuổi thiếu niên, một người bạn thân của cô bắt đầu đi làm để giúp mẹ trả tiền thuê nhà, trong khi Curtis chưa bao giờ phải nghĩ đến chuyện hỗ trợ gia đình.
Cùng khoảng thời gian đó, Curtis bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề khí hậu. Cô phát hiện ra những những thứ gia đình cô đầu tư vào có tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, những gì người lớn quan tâm chỉ là lợi nhuận.
MacKenzie Scott, vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, từng lên tiếng cho rằng nhóm những người lắm tiền nhiều của cần thôi suy nghĩ mọi đặc quyền của họ là điều nghiễm nhiên. Ảnh: Forbes. |
Curtis, người cam kết tặng 100% tài sản thừa kế, hiện kiếm sống bằng cách hướng dẫn những người như mình, giúp họ nghiên cứu về tổ tiên và lập kế hoạch phân phối lại tài sản. Cô có 2 anh trai và một người cũng đang từ bỏ quyền thừa kế.
Theo tập đoàn dịch vụ tài chính Sanlam, trong thập kỷ tới, thế hệ con nhà giàu sẽ thừa hưởng 409 tỷ USD từ cha mẹ. Song, không phải ai cũng muốn hưởng những khoản tiền khổng lồ.
Một bộ phận người trẻ tuy nhỏ nhưng có xu hướng đông lên, cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về tài sản thừa kế của họ.
Tháng 6 năm ngoái, tài khoản Twitter của một người đàn ông đăng tải dòng trạng thái chia sẻ anh cảm thấy tức giận khi được mẹ cho 100.000 USD tiêu xài.
"Số tiền đó là của chung"
Số lượng người siêu giàu lên tiếng về bất bình đẳng giàu nghèo cũng thường xuyên hơn. MacKenzie Scott, vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos, đã chi 12 tỷ USD cho các tổ chức phi lợi nhuận trong hai năm qua.
“Tôi hy vọng sau khi chứng kiến dịch bệnh hoành hành, những người nhiều tiền sẽ hiểu được những đặc quyền được hưởng không phải là điều đương nhiên như họ vẫn cho là vậy”, Scott phát biểu.
Tại Mỹ, Anh, một số nhóm “rich kid” có quyền thừa kế tổng cộng hàng tỷ USD từ cha mẹ, đang quyết tâm cho đi phần lớn số tiền khổng lồ đó. Ảnh: BI. |
Abigail Disney, người thừa kế của nhà Disney, tuyên bố rằng bản thân chọn không trở thành tỷ phú và nếu có quyền, cô sẽ cấm sử dụng máy bay tư nhân trên toàn cầu.
Resource Generation là một cộng đồng gồm những người từ 18 đến 35 tuổi giàu có ở Mỹ, với “cam kết phân phối công bằng của cải, đất đai và quyền lực”.
Được thành lập vào những năm 1990, số lượng thành viên của tổ chức này đang tăng nhanh chóng, tăng 65% so với năm 2019.
Năm ngoái, hơn 800 thành viên đã cam kết đóng góp 100 triệu USD cho các phong trào công bằng xã hội. Đối tác tại Anh của tổ chức này có tên Resource Justice, được thành lập vào năm 2018 bởi Leonie Taylor - người có cha kiếm được hàng triệu USD từ dầu mỏ.
“Cảm giác tội lỗi thực sự đến từ việc được hưởng lợi từ những bất công trong hệ thống xã hội. Tôi coi số tiền mình được hưởng là của chung”, Taylor nói.
Taylor điều hành một chương trình kéo dài 6 tháng, trong đó người giàu tìm hiểu về sự bất bình đẳng và chia sẻ câu chuyện cá nhân. “Nó giúp thành viên tìm cách hành động, hơn là che giấu và cảm thấy xấu hổ”, Taylor cho hay.
Đối với Curtis và Taylor, cảm giác tội lỗi thúc đẩy họ cho bớt của cải. Nhưng không phải ai cũng đồng ý với cách làm này.
Stephen, một người được thừa kế 2 triệu USD từ gia đình làm việc trong ngành dược phẩm, cũng thấy tương tự khi chứng kiến những người khác vật lộn tìm công việc.
"Nhưng điều đó không nhất thiết là tôi phải quyên góp một đống tiền. Thay vào đó, việc hiểu mình may mắn thúc đẩy tôi làm việc nhiều hơn, sẵn sàng làm thêm giờ vì biết những người khác cũng đang vất vả kiếm tiền", Stephen bày tỏ.
Stephen đã đi gặp bác sĩ trị liệu để điều khiển cảm giác tiêu cực ban đầu và hiểu rằng có thể sử dụng số tiền mình có để cải thiện lợi ích cho cộng đồng. "Tôi có ý định làm từ thiện về sau, sau khi kiểm soát được những vấn đề tâm lý mình gặp phải", anh nói.
Với Curtis, "giàu ý nghĩa và mục đích" là cách cô nói về cuộc sống hiện tại. Cô chọn sống cùng một nhóm người có chung quan điểm và cùng làm nông, tổ chức các buổi hội thảo cộng đồng.
“Tôi không mua nhiều thứ, không đi nghỉ mát xa hoa và thấy mình cũng không cần những thứ đó nữa. Rất có thể do tôi đã trải nghiệm tất cả trước đó, nhưng tôi tin rằng việc đi đến một khách sạn 5 sao sang trọng không quyết định chuyện bạn có kỳ nghỉ vui vẻ bên gia đình", Curtis nói.