Cuộc thi đẩy mạnh cho trẻ tinh thần sống chủ động, trách nhiệm với cộng đồng và có khả năng, bản lĩnh hội nhập quốc tế.
Nhiều ý tưởng độc đáo đi vào cuộc thi
Cuộc thi thu hút hàng trăm học sinh tại trường THCS, THPT Vinschool tham gia. Trong đó, nhiều ý tưởng sáng tạo, nhằm quảng bá về văn hóa dân tộc được củng cố: Việt Nam - Điểm đến của bạn nhằm giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên, các nét đẹp truyền thống đất nước của Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 4A10; ý tưởng Truyền tải văn hóa múa rối nước tới bạn bè quốc tế của Nguyễn Hoàng Hiệp, lớp 5A11; Kết nối đam mê quan họ Việt Nam của Nguyễn Trọng Huy, lớp 10A1; Khôi phục, phát triển các trò chơi dân gian Việt của Trần Phạm Anh Thy, học sinh lớp 10A5…
Bên cạnh đó còn có ý tưởng quảng bá đất nước từ các trò chơi trực tuyến, đưa danh lam, thắng cảnh Việt Nam là nội dung chính trong các trò chơi trên điện thoại… của Hoàng Ngọc Minh, lớp 7A2, THCS Vinschool.
35 thí sinh xuất sắc lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. |
Có mặt tại buổi thuyết trình của các thí sinh nhí, nhà sử học Dương Trung Quốc, giám khảo cuộc thi đánh giá cao về ý tưởng của các em nhỏ, đặc biệt trong các lĩnh vực hướng tới lịch sử Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, giám khảo Đặng Châu Anh cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc của các học sinh nhí. Đặc biệt, sự kết hợp giữa nền văn hóa dân tộc pha trộn với sự phát triển của công nghệ thông tin, không làm mất đi nét vốn có đem đến những điểm khác biệt trong cuộc thi năm nay.
Tự tin đem ý tưởng ra trường quốc tế
Với ý tưởng Đem sắc màu văn hóa dân tộc lên trên những cuốn vở, Phan Lê Hà Linh, học sinh lớp 11A6 đã vinh dự trở thành cái tên đầu tiên lọt top 30 gương mặt sẽ sang Mỹ dự trại hè Vincamp.
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, Hà Linh cho biết, từ trước tới nay, dân tộc thiểu số luôn có những nét đặc trưng riêng về văn hóa và lịch sử. Song với xu hướng phát triển của xã hội hiện nay, cũng như sự lấn át của công nghệ thông tin, các truyền thống ấy dường như đang ngày càng bị quên lãng.
Dự án minh họa bìa vở của Phan Lê Hà Linh. |
“Việc vẽ lại và in hình ảnh của hơn 5.000 dân tộc thiểu số trên toàn thế giới lên bìa vở, cùng các thông tin về họ sẽ giúp giới trẻ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn”, Linh nói.
Bên cạnh đó, cô gái này cũng lý giải, vở là sản phẩm thông dụng với học sinh. Chi phí phù hợp cùng ứng dụng thực tế cao sẽ đem đến tính khả thi lớn cho dự án của Hà Linh.
Để thực hiện đề tài này, cô học sinh lớp 11A6 đã bỏ khá nhiều công sức cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về nét đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Linh đã hoàn thành hơn 42 bức vẽ về các thiếu nữ trong trang phục dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, để quảng bá sản phẩm của mình tới bè bạn quốc tế, Linh cũng đã tự tạo một website cá nhân để đăng tải những bức hình này. Thời gian tới, cô dự định mở rộng chiến dịch này trên cộng đồng mạng để bè bạn quốc tế có thể chia sẻ bức hình của mình trên đó.
Thí sinh Nguyễn Hữu Quang Trung giới thiệu Bữa sáng yêu thương. |
Ngoài ra, Hà Linh cũng đã và đang thể hiện sự thông minh, sáng tạo của mình khi tích cực chia sẻ các tác phẩm của các họa sĩ trẻ từ Trung Quốc, Canada, Hungary… vẽ người dân tộc thiểu số trên thế giới.
“Mục tiêu của em trong một năm tới là sẽ in 5.000 cuốn vở với 50 hình vẽ thiếu nữ dân tộc thiểu số. Một phần trong số này sẽ được dành tặng các bạn học sinh ở những vùng khó khăn. Học sinh thành phố và bạn bè quốc tế cũng có thể đặt mua những cuốn vở này thông qua trang web và có thể tùy chọn những hình vẽ mà họ mong muốn”, chủ nhân của giải nhất năm nay bày tỏ.
Một trong những gương mặt tiêu biểu, cũng lọt vào top 30 thí sinh tới Mỹ tháng 8 tới là Lê Bá Tùng Sơn, học sinh lớp 6A1, với ý tưởng Cùng chung tay đưa tinh hoa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cụ thể là đặc sản cá kho làng Vũ Đại.
Đối với chàng trai, cá kho làng Vũ Đại là đặc sản ẩm thực đặc trưng của vùng lúa nước Hà Nam. Nồi cá kho được làm theo công thức cổ truyền với hương vị được lưu giữ hàng trăm năm. Đây cũng là một trong những món ăn truyền thống nổi bật được Google tới quay clip quảng bá món ngon, tinh hoa ẩm thực Việt.
Thí sinh Vincamp tự tin trình bày ý tưởng của mình. |
Để thực hiện dự án, ngoài việc tìm hiểu chi tiết về món ăn này, Sơn cũng thiết kế thêm các website, fanpage với mục tiêu đăng tải các thông tin, bài viết nhằm kết nối mọi người với món ăn mang đậm bản sắc Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đề xuất đưa món ăn này vào các tuor du lịch ẩm thực, chuyến bay quốc tế… cũng là một trong những cách truyền thông về sản phẩm này của chàng trai 12 tuổi.
“Mình đã và đang liên hệ với người thân, bạn bè đang sinh sống tại các khu vực khác nhau của thế giới. Mọi người rất hứng thú với ý tưởng này, nhưng trước đó chúng tôi phải xem xét về vấn đề vận chuyển và bảo quản qua đường hàng không để giữ cho hương vị của món cá được trọn vẹn”, Tùng Sơn chia sẻ.
Để chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ sắp tới, ngoài hành trang về sức khỏe, vật dụng cá nhân... nhiều thí sinh cũng đã trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức cần có như vốn tiếng Anh, các thiết bị phục vụ cho ý tưởng, đề tài bản thân thực hiện.
Trại hè VinCamp là chương trình được Vingroup tổ chức thường niên, được kỳ vọng là một động lực mới giúp các công dân nhí nuôi dưỡng niềm tin về khả năng thay đổi chính mình. Từ đó, lan tỏa tinh thần sống có trách nhiệm và chủ động vì một cuộc sống tốt đẹp hơn trong cộng đồng. 30 chủ nhân ý tưởng xuất sắc nhất trong cuộc thi Tự hào Việt Nam - Hội nhập thế giới sẽ giành tấm vé tham dự Trại hè Vincamp 2016 được tổ chức trong 9 ngày tại Boston, New York, Mỹ. Đây là cơ hội đặc biệt ý nghĩa dành riêng cho học sinh của Hệ thống giáo dục Vinschool, nhằm bước ra thế giới, giao lưu với hàng trăm học sinh đến từ nhiều quốc gia.