Học sinh trèo đèo, lội suối, dựng lớp học dã chiến
Thứ ba, 14/4/2020 06:30 (GMT+7)
06:30 14/4/2020
Dù điều kiện không thuận lợi, nhiều học sinh ở vùng núi quyết tâm không dừng việc học. Mỏm đá, đồi cao, nương ngô trở thành lớp học dã chiến của các em.
Để có sóng 3G ổn định học online, hàng ngày, nữ sinh Lương Thị Thắm, trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Điện Biên), phải leo lên đồi cách nhà 2 km. Thắm tranh thủ học với thầy cô lúc chăn bò, cắt cỏ. Năm nay, nữ sinh dự định thi vào trường quân đội. Em cố gắng ôn luyện chăm chỉ để đạt được mục tiêu.
Thắm cho biết với những học sinh vùng núi như mình, điều kiện tiếp cận con chữ thường ngày đã gian nan, nay phải học online còn khó hơn gấp bội. Nghỉ học lâu, nhiều bạn bè của Thắm phải đi làm hoặc bố mẹ bắt lập gia đình sớm.
Đây là hình ảnh địa điểm học dã chiến của nữ sinh Lùng Thị Loan, tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang. Loan là học sinh trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. Ở nhà không bắt được sóng 3G, nữ sinh phải đi xa, dựng lán để học. Những khi sóng không ổn định, không thể tương tác qua mạng, Loan được thầy cô gọi điện giảng bài.
Hình ảnh lớp học của sinh viên Lầu Mí Xá, Học viện Hành chính Quốc gia, cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội những ngày qua. Chàng trai ở Hà Giang cho biết trong lần đi mượn điện thoại, nam sinh phát hiện đoạn đường vào bản có thể bắt sóng 4G nên bạn đã dựng cọc, che bạt thành một phòng học dã chiến.
Một trường hợp khác là Sú Seo Chung, sinh viên năm thứ ba khoa Quản lý, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Hàng ngày, Chung vượt 5 km đường núi để đến nơi gần trụ sở xã Túng Sán (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang), đón sóng Wi-Fi của UBND xã gần đó, học trực tuyến. Cả quãng đường đi và về của Chung là 10 km/ngày.
Khi trời mưa, cậu lấy áo mưa che cho laptop khỏi ướt. Nam sinh kể mưa rừng nhiều khi kéo dài cả ngày. Có hôm, Seo Chung bị ướt, vẫn cố ngồi học bài trên mạng. Hành động của Chung khiến nhiều thầy cô cảm phục và ngợi khen.
Từ ngày được thông báo học trực tuyến, Sùng A Sì, học sinh lớp 12A8, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc (Lai Châu) đã khăn gói lên nương (cách nhà 17 km) để có sóng học bài. Hàng ngày, Sì làm thuê, đào củ bán kiếm tiền nạp thẻ điện thoại mua 3G.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thức ăn của chàng dân tộc Mông chỉ là cơm độn sắn, măng chấm muối. Buổi sáng, Sùng A Sì học online, buổi chiều phát rẫy, trồng ngô, chăm gà, vào rừng đào củ hoặc đi sửa nhà thuê.
Như nhiều bạn bè vùng cao, Ma Thị Tươi, sinh viên năm 2 khoa Khách sạn - Du lịch, ĐH Thương mại, Hà Nội, phải vượt qua nhiều con đèo mới tìm được nơi có sóng để học trực tuyến. Những ngày đầu, nữ sinh Thái Nguyên ngồi bên đường học. Thấy con ngày nào cũng vượt đường xa, trời lại lạnh, bố Tươi đã phủ bạt, dựng lán nhỏ che gió, che mưa cho nữ sinh học. Điểm dựng dán là con dốc hiểm trở, vắng người qua lại, nhiều khi phải học đến 18h nên Tươi rủ thêm bạn cùng quyết tâm đi học online.
Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, đề xuất về chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, đồng thời triển khai mô hình liên kết để đào tạo nhân lực cho ngành này.
Theo Bright Side, nếu trẻ hay do dự, thường đổ lỗi cho bản thân và có lòng tự trọng thấp, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng lớn lên với bố mẹ ái kỷ (chứng yêu bản thân thái quá).