Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

63% học sinh tiểu học TP.HCM thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử

Cuộc khảo sát với đề tài “Niềm tin, thói quen đọc trong giới trẻ tại TP.HCM” đã chỉ ra thực trạng văn hóa đọc của học sinh hiện nay trước sự phát triển của công nghệ.

Sáng ngày 14/6, ở NXB Trẻ (quận 3, TP.HCM), Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả khảo sát Niềm tin và thói quen đọc của giới trẻ tại TP.HCM.

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc đường sách TP.HCM, cho biết đề tài nghiên cứu bước đầu tiến hành khảo sát hai thành tố quan trọng mang tính nền tảng góp phần tạo nên văn hóa đọc trong cộng đồng là niềm tin và thói quen đọc của giới trẻ.

van hoa doc o hoc sinh anh 1
Bà Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc đường sách TP.HCM công bố kết quả cuộc khảo sát.

Việc khảo sát được thực hiện ngẫu nhiên, thuận tiện, chọn địa bàn khảo sát là các trường cấp 1, 2, 3 ở khu vực nội thành và ngoại thành; các trường cao đẳng và đại học khu vực công và tư ở TP.HCM. Các phỏng vấn viên là sinh viên năm cuối Khoa xuất bản, Đại học Văn hóa TP.HCM. Tổng số phiếu khảo sát được thực hiện gồm 1.600 phiếu, trong đó cấp 1: 400 phiếu, cấp 2: 400 phiếu, cấp 3: 200 phiếu, cao đẳng và đại học: 400 phiếu, phụ huynh, giáo viên: 200 phiếu.

van hoa doc o hoc sinh anh 2
Buổi họp báo công bố kết quả khảo sát đề tài Niềm tin, thói quen đọc trong giới trẻ tại TP.HCM.

Sau hơn hai tháng tiến hành khảo sát đã có những kết quả đáng kể. Cụ thể, ở đối tượng học sinh cấp 1 và cấp 2, mức độ thường xuyên đọc sách ở các em không cao: ở cấp 1 là 43% (rất thường xuyên 16%; thường xuyên 27%), ở cấp 2 là 28% (rất thường xuyên là 8%, thường xuyên 20%). Trong khi đó cấp độ tiêu cực: hiếm khi ở học sinh cấp 1 là 12%, ở cấp 2 là 16% và cấp độ lưng chừng: ở cấp 1 là 45%, cấp 2 là 55%. Quỹ thời gian để các em tạo lập thói quen đọc sách chủ yếu từ gia đình, nhà trường hầu như bỏ ngỏ, thiếu tính chủ đích và có kế hoạch. Thể loại sách mà các em thích đọc nhất vẫn là truyện tranh: 59% học sinh cấp 1, 38% học sinh cấp 2.

Học sinh tiểu học cũng thích chơi các thiết bị điện tử như iPad, điện thoại hơn là đọc sách. 63% học sinh trả lời thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử để nhắn tin, chơi game, xem phim hài.

Ở đối tượng học sinh cấp 3, mức độ thường xuyên đọc sách, tin tức ở các em cao: 64,3% (rất thường xuyên 23,6%, thường xuyên 41,7%), thỉnh thoảng 26,1%.

Đối với đối tượng sinh viên cao đẳng, đại học, 37% em thường xuyên đọc sách, 59% thỉnh thoảng đọc.

van hoa doc o hoc sinh anh 3
Học sinh tiểu học thích sử dụng thiết bị điện tử hơn là đọc sách.

“Lâu nay đề cập đến việc phát triển văn hóa đọc, ta thường căn cứ vào số lượng sách được xuất bản trong năm đem chia cho tổng dân số Việt Nam để ra con số một người dân đọc bao nhiêu cuốn sách trong năm. Từ đó nhận định sức đọc của người Việt kém hoặc những nhận định rất cảm tính khi cho rằng giới trẻ ngày nay quay lưng với văn hóa đọc… Theo chúng tôi, cốt lõi của chiến lược phát triển văn hóa đọc, vốn được xem là mục tiêu hàng đầu trong xây dựng thành phố, quốc gia học tập chính là niềm tin, thói quen, hành vi, kiến thức đọc”, bà Quách Thu Nguyệt khẳng định.

Từ kết quả cuộc khảo sát, nhiều giải pháp được đưa ra để tác động đến văn hóa đọc ở giới trẻ. Giải pháp cốt lõi và đầu tiên chính là tạo dựng niềm tin nơi người đọc, cần truyền thông và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, gia đình, nhà trường một cách thường xuyên. Đồng thời vận động các tổ chức xã hội, nhóm cộng động trẻ thực hiện các kênh YouTube về sách lành mạnh, hấp dẫn có sức cuốn hút, dẫn dắt, định hướng cho mọi người.




Hoàng Yến

Bạn có thể quan tâm