Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học

Theo Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD&ĐT vừa công bố, học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học.

Sau 10 năm tồn tại, Thông tư số 41 đã có nhiều nội dung không còn phù hợp các văn bản quy pháp luật hiện nay, không đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Dự thảo gồm 7 chương, 47 điều với nhiều điểm mới, tập trung đổi mới quản lý nhà trường.

Theo đó, trường tiểu học được trao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Các hoạt động giáo dục được chuyển từ tập trung truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực.

Công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới. Các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường.

Hoc sinh tieu hoc co the hoc vuot lop anh 1

Theo Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, học sinh tiểu học có thể học vượt lớp nếu có thể lực tốt, phát triển sớm về trí tuệ. Ảnh: Hoàng Hà.

Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp

Cụ thể, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước.

Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.

Dự thảo cũng bổ sung nhiệm vụ của học sinh - “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây là yêu cầu quan trọng, là “đích đến” của việc thực hiện chương trình GDPT mới.

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung một Điều khoản có nội dung hoàn toàn mới về xây dựng và phát triển văn hoá đọc cho tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường.

Các trường có thể sử dụng đa dạng và sáng tạo các hình thức, như tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà, các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện.

Trường cũng cần thường xuyên bổ sung sách, báo và các nguồn học liệu bao gồm cả bằng tiếng nước ngoài phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường, khuyến khích xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện và nhu cầu.

Dự thảo cũng định lượng cụ thể số học sinh khuyết tật trong mỗi lớp học hoà nhập không quá hai em, lớp học ghép có không quá hai nhóm trình độ và không quá 15 học sinh.

Quy định này nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục trong lớp học hoà nhập, lớp học ghép được thực hiện hiệu quả và không gây khó khăn cho giáo viên, học sinh khi giảng dạy, tiếp thu kiến thức.

Hoc sinh tieu hoc co the hoc vuot lop anh 2

Dự thảo nêu nhà trường có trách nhiệm triển khai dạy học SGK theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Ảnh: QQ.

Trường dạy học SGK theo quyết định của UBND tỉnh

Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học cũng đề cập đến quyền hạn của trường, hiệu trưởng và giáo viên.

Theo đó, trường tiểu học có thêm nhiệm vụ “xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của nhà trường”.

Trường được quyền tự chủ chuyên môn, được phép huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để thực hiện kế hoạch giáo dục đảm bảo tính dân chủ, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh.

Dự thảo bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học.

Bên cạnh đó, nhà trường có trách nhiệm triển khai dạy học SGK theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Những quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học trong dự thảo về cơ bản kế thừa quy định trong Điều lệ hiện hành.

Dự thảo bổ sung một số điểm mới, các cán bộ quản lý trường tiểu học phải tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý.

Hiệu trưởng còn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên, động viên và tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục.

Hoc sinh tieu hoc co the hoc vuot lop anh 3

Dự thảo cho phép các giáo viên chư­a đạt chuẩn trình độ được nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để học tập, đào tạo bồi dưỡng theo quy định. Ảnh: Việt Hùng.

Giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân

Dự thảo bổ sung nhiều điểm mới trong quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trình độ của giáo viên.

Cụ thể, thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng cử nhân” ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giáo dục tiểu học.

Trong Điều lệ trưởng tiểu học hiện hành, chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học là “có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm”.

Để đảm bảo quyền lợi của giáo viên và đáp ứng lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên, dự thảo cho phép các giáo viên chư­a đạt chuẩn trình độ được nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục tạo điều kiện để học tập, đào tạo bồi dưỡng theo quy định.

Giáo viên cũng được trao quyền mới, tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.

Về trách nhiệm, giáo viên có thêm quy định mới là chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách.

Cô giáo mầm non đeo khẩu trang trong suốt đón học trò

Những chiếc khẩu trang chống giọt bắn đặc biệt được các cô giáo trường mầm non Nhân Chính (Hà Nội) sử dụng giúp chống giọt bắn, khiến học sinh yên tâm khi đến trường.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm