Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học sinh Nà Liềng cười tươi rói trong ngôi trường mới xây

Ai đã lên với những điểm trường vùng cao bốn bề gió sương hẳn sẽ ít nhiều gặp những “phiên bản” tương tự như Nà Liềng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái).

Đó là cảnh mái rạ, vách đất, nan tre, cô và trò co ro buổi học sớm trong sương mù loang ướt. Thế nên, màu vôi vàng tươi của lớp học mới khang trang như thể đã thắp nắng sáng bừng cho khung cảnh xám buồn cũ kỹ ấy, để bọn trẻ bước vào lớp với niềm vui và tiếng cười mỗi ngày.

Hành trình vất vả

Văn Yên là một huyện vùng núi cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 40 km về phía Bắc, với tổng diện tích 1.391,54 km2. Huyện có 12 dân tộc, trong đó các dân tộc Kinh, Tày, Dao, H' mông… chiếm đa số. Theo tìm hiểu của các tình nguyện viên, huyện có 5 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, trong đó có xã Phong Dụ Hạ với 90% số hộ gia đình có thu nhập ở mức dưới chuẩn, nghèo và còn đói một số tháng trong năm.

Trường tiểu học Nà Liềng là một trong nhiều điểm trường của tiểu học Phong Dụ Hạ trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái). Dù độ khó khăn khác nhau, điểm trường nào cũng giống nhau, với cái “phong phanh” của lớp học và thầy trò giữa bạt ngàn gió núi vây quanh .

Trước đây, điểm trường lẻ tiểu học Nà Liềng (xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên) vốn chỉ có hai phòng học đơn sơ dựng bằng cột tre, phên nứa đã xuống cấp, gió lùa tứ phía, mái rạ dột nát. Trong gian nhà trống huếch, tuềnh toàng được gọi là lớp học ấy, chỉ có 4 cái bàn gỗ đã mục cũ cùng chiếc bảng tróc sơn. Các thầy cô kể, khi mùa mưa đến, hầu như bọn trẻ phải mặc áo mưa để ngồi trong lớp học bài. Nhiều lần, mưa bão cuốn phăng mái nhà hoặc xô vẹo cột, vách… Người dân địa phương và giáo viên lại phải chung tay dựng lại lớp học. Chính vì thế, đây được chọn là nơi đoàn tình nguyện Canon quyết định hỗ trợ xây dựng 2 lớp học mới tặng các em, với tổng giá trị hỗ trợ xây dựng khoảng 199 triệu đồng.

Trường Nà Liềng trước (ảnh trên) và sau khi có sự trợ giúp của Canon (ảnh dưới).

Một hành trình khó quên với những người mang tình yêu thương đến với đám em nhỏ vùng cao: 5h30, khi nhiệt độ bên ngoài là 7oC, sương mù mờ mịt khiến các xe đều phải bật đèn chống sương, đoàn tình nguyện Canon đã xuất phát. Dù quãng đường chỉ chừng 70 km, nhưng hành trình của họ dài đến 3 tiếng đồng hồ và vô cùng gian nan, lắc lư trên những con đường xấu để “thồ” hàng cho thầy trò nơi điểm trường heo hút. Những khúc cua qua núi lớn đồi nhỏ, những con suối cạn nước trơ đá tảng và rồi lại gặp nước ngập ngang bánh xe, và cả những “ổ trâu” làm khó bác tài, khiến mọi người phải cùng xuống chèn đường, kê đá cho xe qua…

Và rồi, điểm trường nhỏ xinh cũng hiện ra, với những gương mặt hân hoan đón chờ của các em nhỏ và người dân địa phương.

Mang nắng ấm lên với vùng cao

“Xin gửi lời chào tới các vị khách quý, các thầy cô giáo và các em học sinh yêu quý” - đó là câu chào bằng tiếng Việt được ông Nick Yoshida - Tổng giám đốc công ty Canon Marketing Việt Nam mở đầu cho bài phát biểu tại lễ bàn giao lớp học hữu nghị Canon - Nà Liềng, khiến tất cả ồ lên ngạc nhiên và thích thú. Trong lời phát biểu ngắn ấy, “bác người Nhật” vui tính, hồn hậu của bọn trẻ đã chia sẻ lý do và sự quan tâm của Canon đến các trẻ em trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, và tâm nguyện mang đến điều kiện học tập tốt hơn cho thầy trò ở những trường học xa xôi, khó khăn.

Em bé 3 tuổi nói lời cảm ơn “bác người Nhật” khi nhận được quà tặng.

Ngoài 2 lớp học xây mới lần này, công ty Canon Marketing Việt Nam còn tặng các em nhiều thiết bị căn bản như bộ loa đài, sách vở, đồ dùng học tập, bàn ghế đạt tiêu chuẩn, bảng đen và một số thiết bị dạy học, giúp các em có được điều kiện giáo dục tốt hơn. Lễ bàn giao diễn ra giản dị mà xúc động, khi lớp học vững chãi, khang trang từ nay chính thức đón các bạn nhỏ vào học tập. Màu vôi mới vàng tươi lấp lánh trong những đôi mắt đen láy như thể trăm ngàn đốm nắng - nắng của vô vàn yêu thương được gom góp, chuyên chở lên với vùng cao.

Bên các tình nguyện viên, thầy cô giáo và các học sinh vừa kể về cuộc sống hàng ngày, vừa được hướng dẫn làm quen với máy ảnh để ghi lại những hình ảnh đẹp của quê hương. Chuyện của Hà Văn Hiên (8 tuổi) là con đường dài 10km từ nhà đến trường thử thách đôi chân nhỏ mỗi ngày, hay chuyện của cô giáo Hà Thị Én ngày ngày vẫn vượt hơn 50 km đường xuống cấp đầy gian khổ từ trung tâm thành phố Yên Bái vào tới điểm trường Nà Liềng để dạy dỗ các em… Mỗi con chữ ở đây đong biết bao gian nan, tâm sức. Và sự tiếp sức của Canon đã góp phần không nhỏ cho những đôi chân bé nhỏ kia thêm động lực và niềm vui chăm chỉ tới lớp mỗi ngày.

Nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ nơi núi cao.

Lần đầu cầm trên tay chiếc máy ảnh, các em háo hức lưu lại cuộc sống xung quanh. Ảnh do các em chụp sẽ được Canon giới thiệu tới công chúng và bạn bè quốc tế, đến với các bạn học sinh nghèo ở mọi vùng miền trên cả nước thông qua chương trình “giao lưu văn hóa qua ảnh”.

Các em háo hức tự tay chụp lại bạn bè và cảnh sắc thiên nhiên xung quanh. 
Không chỉ chụp ảnh, các em còn được hướng dẫn in ảnh tại chỗ.

Cũng trong chuyến đi lần này, đoàn tình nguyện viên của công ty Canon Marketing Việt Nam cũng đã đến tặng quà cho các em học sinh Khe Hao - một điểm trường khó khăn tương tự Nà Liềng - với nhiều đồ dùng học tập, thiết bị giảng dạy và quần áo.

Trong hành trình 5 năm không ngừng cải thiện điều kiện giáo dục cho trẻ em nghèo, đây là lần đầu tiên Canon thay đổi hình thức trao quà. Đó là việc xây tặng lớp học, góp phần chắp cánh ước mơ tới trường và mở ra cơ hội học tâp trong môi trường an toàn và kiên cố hơn cho các em nhỏ.

Tư liệu: Canon

Bạn có thể quan tâm