Theo một nghiên cứu mới đây, sinh viên đại học có triển vọng để trở thành một tỷ phú khi người đó học về kỹ thuật. Nghiên cứu này đã được thực hiện dựa trên việc khảo sát ngành học của 100 tỷ phú nằm trong danh sách giàu nhất thế giới của Forbes.
Theo đó, 22% trong số họ đã từng nghiên cứu về kỹ thuật tại các trường đại học, nhiều hơn gần gấp đôi tỷ lệ người đã lựa chọn ngành học phổ biến tiếp theo là ngành thương mại.
Biểu đồ thống kê tỷ lệ người theo học tại các ngành học phổ biến nhất. |
Kiến thức về kinh doanh trong trường đại học đã giúp 12% số tỷ phú này trở nên giàu có, trong khi chỉ có 9% nghiên cứu về nghệ thuật. Tuy nhiên số này vẫn nhiều hơn so với số người chuyên về ngành kinh tế và tài chính.
Qua khảo sát cho thấy, những tỷ phú đã từng là sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật cũng là những người giàu nhất trong số các tỷ phủ hiện nay, tài sản trung bình là 25,8 tỷ USD.
Tuy nhiên xếp sau đó lại là những tỷ phú không có bằng cấp, với tài sản trung bình lên tới 24 tỷ USD. Tiếp đó là tới các tỷ phú nghiên cứu về thương mại (22,5 tỷ USD), kinh tế (22 tỷ USD) và nghệ thuật (20,5 tỷ USD).
Thực tế cho thấy, các tỷ phú cũng không hẳn giàu có là chỉ nhờ vào bằng cấp, bởi gần như một phần ba những người giàu nhất thế giới trong danh sách của Forbes đều không có bằng đại học. Bill Gates, người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản khoảng 79 tỷ USD đã bỏ dở việc học của mình tại trường Harvard, cũng như người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg - tỷ phú trẻ nhất trong top 100 của Forbes với tài sản ròng 33,4 tỷ USD.
Biểu đồ thống kê tài sản trung bình tương ứng với ngành học trong đại học của các tỷ phú. |
Mặt khác, trong khi chỉ có 4% trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới đã từng nghiên cứu về toán học và khoa học thì môn STEM (hay gọi là giáo dục STEM), bao gồm tổng hợp cả 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, lại đang ngày càng được chú trọng nhiều hơn trong các trường đại học hiện nay.
Theo một báo cáo gần đây, một sinh viên nữ tốt nghiệp đại học ngành kỹ thuật cấp độ A có thể kiếm thêm 6.700 USD mỗi năm. Tuy nhiên, những người được trang bị đầy đủ cả kiến thức và kỹ năng qua môn học STEM lại có thể kiếm được nhiều hơn khoảng 1/3 con số đó.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các sinh viên tập trung vào STEM nhiều hơn có thể sẽ làm cho các tỷ phú trong tương lai khác với các tỷ phú ngày nay, thậm chí số lượng có thể còn nhiều hơn.
Amy Catlow, giám đốc của Approved Index cho biết: "Những phát hiện này chắc chắn sẽ tạo thêm một chiều hướng mới cho các cuộc tranh luận về sự phù hợp và giá trị của một tấm bằng đại học hiện nay. Ngoài ra, cũng thấy rằng, để có một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và đa dạng, chúng ta cần phải khuyến khích phạm vi chuyên môn ngày một phong phú hơn."
Hiện nay, theo thống kê có khoảng 2.325 tỷ phú trên toàn thế giới với tổng tài sản giá trị lên tới 7.290 tỷ USD, tức bằng khoảng 1/10 GDP của toàn cầu.