Nằm trên đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, lớp học làm gốm thủ công thu hút hàng trăm học viên mỗi tháng. Trong đó có nhiều học viên tham gia để tìm cơ hội kinh doanh cho riêng mình. |
Ở lớp học này, học viên không học lý thuyết mà trực tiếp thực hành, giáo viên sẽ hướng dẫn tận tay. |
Khác với thể loại gốm, sứ công nghiệp có sẵn khuôn đúc, gốm thủ công được nhào nặn bằng tay trên một bàn xoay. Anh Đạt, một giáo viên hướng dẫn cho biết, ở đây chỉ dạy cho học viên nắm được kỹ thuật cơ bản, và họ sẽ chủ động sáng tạo ra những sản phẩm mà mình muốn. |
Để trang bị đủ một bộ làm gốm thủ công, mỗi học viên phải tốn 5-8 triệu đồng. Toàn bộ dụng cụ đều được nhập từ Nhật. |
Học phí cho khóa cơ bản đã 3,6 triệu đồng. Anh Duy (quận 3) cho biết, phải mất hơn 2 năm theo học, anh mới tự tin cho ra những mẻ gốm đầu tiên để bán. Nhưng do sản phẩm thủ công, kinh phí tráng men, nung... tốn kém nên sản phẩm có giá khá đắt. |
Sau khi định hình xong sản phẩm học viên thường dùng máy sấy tóc để làm khô đất sét. |
Lớp có nhiều học viên là người nước ngoài. |
Sau khi học được các kỹ thuật làm gốm, học viên thoải mái sáng tạo, thực hiện những sản phẩm mà mình thích. Ở Lớp học này không có một khuôn khổ cụ thể nào cho sản phẩm. |
Ở đây có đầy đủ công cụ, nguyên liệu làm gốm nhưng giá khá đắt, 70.000-80.000 đồng/màu. Nếu học viên muốn nung, tráng men sản phẩm của mình phải trả thêm 45.000-400.000 đồng, tùy vào kích thước. |
Các sản phẩm dang dở của học viên được lưu trữ cẩn thận để ngày hôm sau tiếp tục thực hiện. Học viên mới phải mất nhiều ngày mới có thể hoàn thiện một sản phẩm. |
Nơi đây luôn xuất hiện các ý tưởng sáng tạo, độc đáo với sự pha trộn giữa cách làm gốm truyền thống và ý tưởng lạ. |
Bảng màu men đủ loại cho học viên lựa chọn. |
Những tác phẩm ấn tượng sau khi hoàn thành của học viên. Dù chưa kinh doanh, nhưng để hoàn thiện 1 sản phẩm học viên phải tốn hơn 200.000 đồng. |